Mục đích của Quy hoạch nhằm giải quyết yêu cầu trước mắt về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ổn định và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo định hướng sau: Đối với các huyện miền núi và các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức: chưa lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn này và tiếp tục thực hiện tại những khu vực hiện tại đang tiến hành xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nếu có vị trí nào có vi phạm lớn về khoảng cách theo quy định thì tiến hành khảo sát đo đạc lại và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và Sở Xây dựng.
Đối với huyện Đức Phổ, thống nhất với đề xuất và giao UBND huyện Đức Phổ khảo sát vị trí mới tại xã Phổ Nhơn làm khu Liên hiệp xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ thay cho tại thôn An Điền, xã Phổ Nhơn tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 07/3/2013 của UBND tỉnh. UBND huyện Đức Phổ chịu trách nhiệm về tính phù hợp và đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh an toàn tối thiểu của khu xử lý đối với khu dân cư, công trình gần nhất theo QCXDVN 01:2008/BXD và các quy chuẩn, quy định có liên quan; đồng thời lấy ý kiến đồng thuận của người dân theo quy định.
Tại huyện Tư Nghĩa, UBND huyện Tư Nghĩa và các sở, ngành liên quan chuẩn bị vị trí dự phòng bãi chôn rác thải tạm tại xã Nghĩa Thắng.
Thống nhất cho phép UBND huyện Sơn Tịnh khảo sát một vị trí làm khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tịnh Hiệp. UBND huyện Sơn Tịnh chịu trách nhiệm về tính phù hợp và đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh an toàn tối thiểu của khu xử lý đối với khu dân cư, công trình gần nhất theo QCXDVN 01:2008/BXD và các quy chuẩn, quy định có liên quan; đồng thời lấy ý kiến đồng thuận của người dân theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có duy nhất một trong 3 nhà máy xử lý rác hoạt động và một bãi chôn lấp thông thường nhưng đã sắp đến hạn đóng cửa. Thực tế đã có nhiều nhiều hạn chế, bất cập trong vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà máy ở Quảng Ngãi như tại Đức Phổ, Nghĩa Kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý rác hiện nay. Trong khi, lượng rác thải phát sinh không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 500 tấn/ngày, nhất là các loại chất thải rắn. Chính vì thế, việc quy hoạch các điểm xử lý rác để giải quyết rốt ráo, tránh tình trạng rác thải ứ đọng, môi trường sống bị ô nhiễm là cần thiết.