Quảng Ngãi: Hàng trăm người dân đảo Bé “khát nước” trầm trọng

10/05/2019 17:43

(TN&MT) - Thời gian qua, 110 hộ dân đảo Bé (còn gọi là đảo An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phải sống trong tình cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt liên tục bị hư hỏng, khiến việc cung cấp nước ngọt trên đảo bị hạn chế.

Nắng nóng kéo dài trong khi hệ thống lọc nước tại đảo Bé, huyện Lý Sơn liên tục gặp sự cố người dân ở đảo Bé thiếu nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày
Nắng nóng kéo dài trong khi hệ thống lọc nước tại đảo Bé, huyện Lý Sơn liên tục gặp sự cố người dân ở đảo Bé thiếu nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày

Dù đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã có Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, tuy nhiên, thời gian gần đây Nhà máy này liên tục gặp phải sự cố, không thể cung cấp đủ cho 110 hộ dân ở trên đảo. Do đó, người dân tại xã đảo này đang phải mua nước sinh hoạt từ đảo Lớn chở về với giá cao gấp 26 lần giá bình thường.

Được biết, một mét khối nước sinh hoạt khi mua tại Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt có giá 8.000 đồng, nhưng khi mua của các tàu chở nước ngọt từ đảo Lớn qua thì người dân phải mua với giá 220.000 đồng, tức là cao gấp 26 lần.

Theo một số người dân địa phương, nước ngọt từ Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt chỉ đủ để nấu ăn, còn những sinh hoạt khác hằng ngày như việc tắm rửa, giặc đồ… thì phải mua nước từ đảo Lớn.

Tuy vậy, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay trên đảo Bé không có đợt mưa nào, khiến người dân không có nguồn nước mưa dự trữ để sử dụng.

Người dân ở đây phải tiết kiệm đối đa vì giá nước ngọt hiện tại là rất cao, giá nước ngọt khi chuyển từ đảo Lớn qua giao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/khối”
Người dân ở đây phải tiết kiệm đối đa vì giá nước ngọt hiện tại là rất cao, giá nước ngọt khi chuyển từ đảo Lớn qua giao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/khối”

Ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại xã An Bình cảm thấy lo lắng: “Với một gia đình có đến 5 khẩu, nếu bình thường một tháng sử dụng hết từ 10 - 12 khối, thì nay mình phải tiết kiệm, dùng khoảng 4 - 5 khối thôi. Giá nước ngọt bây giờ rất cao. Giá nước khi chuyển từ đảo Lớn qua giao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/khối”.

“Chỉ tính riêng tiền nước mỗi tháng cũng hết cả triệu rồi. Việc thiếu nguồn nước ngọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như việc kinh doanh của các hộ dân nơi đây, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Tôi mong rằng chính quyền sớm có giải pháp hợp lý và lâu dài để để kịp thời cung cấp nước ngọt cho chúng tôi”- ông Hùng nói.

Thời gian gần đây, đảo Bé được biết đến là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Do đó, việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ sinh hoạt của du khách. Nhiều khách du lịch thể hiện sự khó chịu khi phải trả phí nước cao, sử dụng nước không được thoải mái.

Chị Trà My, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Khi em bước chân đến đảo An Bình cái em cảm nhận và thấy đầu tiên đó là cảnh quan tự nhiên rất bình yên giống như tên gọi của nó, mặc dù là một hòn đảo nhỏ nhưng thiên nhiên và cảnh vật ở nơi đây rất hùng vĩ. Người dân nơi đây cũng rất thân thiện và mến khách. Thế nhưng, cái em thất vọng nhất đó là tình cảnh thiếu nước ngọt, khó khăn trong việc sinh hoạt để ở dài ngày. Với lại chúng em phải chi ra khoản tiền không nhỏ cho việc sử dụng nước sinh hoạt. Nhưng khi người dân giải thích việc họ phải mua nước giá cao vì hiện tại hòn đảo này không còn nguồn nước dự trữ thì chúng em cũng hiểu và thông cảm cho họ”.

Thiếu nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn trong những ngày nóng bức như thế này
Thiếu nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn trong những ngày nóng bức như thế này

Ông Lê Đại, chủ một cơ sở kinh doanh du lịch tại đảo An Bình, cho hay: Để phục vụ du khách tắm rửa và sinh hoạt thì ngoài việc mua nước với giá cao, tôi còn phải chi thêm 100.000 đồng/khối để vận chuyển từ cảng về khu du lịch. Tức là tôi phải mua nước cao gấp khoảng 40 lần so với giá nước hiện tại của Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt.

“Với giá nước này thì bắt buộc tôi phải thu giá cao hơn khi du khách vào tắm nước ngọt. Tuy vậy, tôi cũng biết với giá nước cao như vậy thì du khách chắc chắn sẽ không hài lòng, nhưng nếu không làm vậy thì chúng tôi không thể nào bù lỗ nổi. Việc thiếu nguồn nước sạch ảnh hưởng rất lớn trong việc kinh doanh cũng như cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương nơi đây”- ông Đại cho biết thêm.

Tháng 9/2012, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên xã đảo Bé được khánh thành, đưa vào hoạt động với hy vọng sẽ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân nơi đây.

Tuy nhiên, sau đưa vào 7 năm hoạt động, hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt xã An Bình đã xuống cấp và liên tục bị hư hỏng việc cung cấp nước sạch cho người dân trở nên khó khăn. Khiến hàng trăm hộ dân nơi đây lâm vào tình cảnh “khát nước’. Được biết, hiện mỗi ngày hệ thống này chỉ lọc được 20 khối nước ngọt, thấp hơn 9 lần so với công suất khi mới đưa vào hoạt động.

Hiện hệ thống lọc nước biển sang nước ngọt của nhà máy nước An Bình chỉ có thể lọc được 20 m3 mỗi ngày, không đủ để cung cấp cho toàn hộ dân ở trên đảo An Bình này
Hiện hệ thống lọc nước biển sang nước ngọt của nhà máy nước An Bình chỉ có thể lọc được 20 m3 mỗi ngày, không đủ để cung cấp cho toàn hộ dân ở trên đảo An Bình này

Bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên xã đảo An Bình có 2 tổ máy thì nay đã bị hỏng 1 tổ máy. Về vấn đề trên huyện cũng đã đề nghị xã An Bình khảo sát và mời Công ty Dosan Vina - đơn vị tài trợ Nhà máy tiếp tục có khảo sát và đánh giá thiết bị, sau đó nhờ nhà tài trợ cung cấp thiết bị kỹ thuật để sửa chữa, nhất là trong thời thời điểm mùa hè nguồn nước ngọt đang cạn kiệt và du khách đến đảo nhiều.

“Về lâu dài, để người dân huyện đảo Lý Sơn không còn cảnh thiếu nước sạch thì chính quyền địa phương rất mong các cấp, các ngành, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp để nơi đây có nguồn nước ngọt ổn định”- bà Hương nói thêm.

Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt cùng với cấu tạo địa chất toàn các phiến đá trầm tích nên trên đảo không có các mạch nước ngầm. Do vậy, 110 hộ với hơn 500 khẩu sinh sống trên đảo Bé quanh năm luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Hàng trăm người dân đảo Bé “khát nước” trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO