Quảng Ngãi: Dân bất an khi rừng dừa trăm tuổi bị phá phục vụ nhà máy giấy

12/05/2017 00:00

(TN&MT) - Rừng dừa nước Cà Ninh ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được ví là “lá phổi xanh”của KKT Dung Quất. Thế nhưng, diện tích 50ha/70 ha này sẽ bị phá bỏ để lấy đất xây dựng dự án nhà máy bột giấy VNT 19, ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường về sau.

Rừng dừa nước lớn nhất ở Quảng Ngãi sắp bị “khai tử”
Rừng dừa nước lớn nhất ở Quảng Ngãi sắp bị “khai tử”

Rừng dừa ngập mặn Cà Ninh ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn có tổng diện tích khoảng 120ha. Trong đó 70 ha là rừng dừa nước lâu năm, có vai trò giữ đất, ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng, nên người dân rất quý và bảo vệ hàng trăm năm nay. Mọi người giữ rừng bằng hương ước, rồi trồng thêm và mặc nhiên để dừa nước sinh sôi chứ chẳng bao giờ chặt phá.

Để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho Nhà máy Bột - Giấy VNT 19, Công ty Thủy nông Quảng Ngãi được cấp phép xây dựng hồ chứa trên diện tích 85 ha tại địa bàn thôn Phú Long (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn). Trong đó 50 ha diện tích hồ chứa nằm trong khu vực rừng dừa nước Cà Ninh. Thông tin phá bỏ rừng dừa để xây dựng hồ chứa nước cho nhà máy giấy khiến người dân tiếc nuối xen lẫn cảm giác bất an.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (70 tuổi), người dân địa phương cho biết, tuổi thơ ông trải qua những tháng ngày mò cua, bắt cá trong khu rừng ngập mặn trước nhà đem bán lấy tiền mua gạo. Ngày ấy, những tán dừa nước đã cao quá đầu. Thi thoảng có người chèo ghe cắt lá dừa về lợp nhà.

“Tôi gắn bó cả đời với rừng dừa này. Rừng dừa vừa tạo cảnh quan sinh thái, vừa là nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình của địa phương nên giờ nghe phá bỏ cảm thấy buồn và tiếc lắm. Chỉ mong các cấp ngành của tỉnh đã có sự tính toán kỹ và quyết định đúng khi phá bỏ rừng dừa nước này để lấy đất cho dự án nhà máy giấy".

Cũng theo ông Minh, rừng dừa nước Cà Ninh còn có giá trị lịch sử vì đây là nơi trú quân của các lực lượng du kích, bộ đội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc.

Việc phá bỏ rừng dừa nước kéo theo nhiều vấn đề an sinh, môi trường, điều hòa khí hậu tại các khu công nghiệp
Việc phá bỏ rừng dừa nước kéo theo nhiều vấn đề an sinh, môi trường, điều hòa khí hậu tại các khu công nghiệp


Ông Nguyễn Thế Nhân - Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết: Trong số 50ha/70ha rừng dừa nước bị phá bỏ thì diện tích do địa phương quản lý chỉ khoảng 20ha, còn lại thuộc quyền sử dụng của người dân. Trước khi có chủ trương phá bỏ, đã rất nhiều lần tổ chức họp dân để nghe và ghi nhận ý kiến. Qua phân tích thiệt hơn, cuối cùng thì mọi người dân đã đồng ý phá, để làm hồ chứa nước phục vụ cho nhà máy bột giấy nhưng nhiều người băn khoăn, lo lắng về vấn đề môi trường.

"Người dân cho rằng sản xuất giấy là ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, trong khi đó lại phá bỏ rừng dừa nước hàng trăm năm tuổi càng khiến người dân lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường khi nhà máy này đi vào hoạt động"- ông Nhân cho biết thêm.

Liên quan đến việc phá bỏ rừng dừa nước Cà Ninh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu chủ đầu tư là Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 phải trồng rừng phục hồi đúng bằng diện tích đã phá bỏ hoặc trả chi phí cho tỉnh trồng lại diện tích rừng này. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã Bình Phước và các vùng lân cận của huyện Bình Sơn đã hết đất để trồng lại rừng ngập mặn.

Rừng dừa nước Cà Ninh là nguồn sống của hàng trăm người dân địa phương
Rừng dừa nước Cà Ninh là nguồn sống của hàng trăm người dân địa phương

"Qua khảo sát tại địa bàn xã Bình Phước không còn nơi nào có thể trồng rừng phục hồi, các xã lân cận cũng vậy. Mới đây, một doanh nghiệp đã khảo sát địa điểm để thực hiện dự án trên diện tích 40 ha dừa nước vừa được Sở TN&MT trồng vào năm 2016 theo dự án trồng rừng ngập mặn các xã ven biển của huyện Bình Sơn"- ông Nhân nhấn mạnh.

Bà Hà Thị Anh Thư- Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) khẳng định: “Quan điểm của huyện là ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc thu hồi đất để làm dự án. Tuy nhiên, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do vậy, nhà đầu tư cần phải trồng lại diện tích rừng thay thế nhằm đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực. Sở NN&PTNT Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư phải nộp cho quỹ phát triển rừng của tỉnh khoảng 500 triệu đồng/ha để trồng lại rừng dừa nước.”

Vai trò chống sạt lở, giảm nhiễm mặn, ngăn lũ bất thường, bảo tồn hệ sinh vật và tài nguyên thiên nhiên của rừng ngập mặn là không thể phủ nhận. Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn tại các xã ven biển Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (huyện Bình Sơn), tổng diện tích hơn 45,7 ha, trong đó trồng mới 35,46 ha dừa nước, hơn 10,2 ha để dành đánh bắt thủy sản, làm đường giao thông chăm sóc, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, diện tích trên chưa đủ để bù lại diện tích rừng đã mất. Năm 2015, theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh chỉ còn 197ha rừng ngập mặn ven biển, giảm khoảng 115ha so với năm 2002. Theo đó, chỉ sau hơn 10 năm, gần 40% diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã “biến mất”.

Rừng dừa ở Cà Ninh đã có lịch sử phát triển từ rất lâu, có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái, điều hòa khí hậu... Để hình thành một khu rừng đặc biệt như vậy không phải là chuyện ngày một ngày hai. Trước những bất an có thực của người dân xã Bình Phước, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần có những tính toán chính xác để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bởi cứ đà này, chẳng mấy chốc, những khu rừng dừa nước ở Quảng Ngãi bị xóa sổ, kéo theo nhiều hệ lụy môi trường cho mai sau.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Dân bất an khi rừng dừa trăm tuổi bị phá phục vụ nhà máy giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO