(TN&MT) - Dù mới một trận bão đi qua và chỉ gây mưa, nhưng nhiều tuyến đường, núi ở các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông và một số nhà cửa của dân ở gần khu vực sạt lở cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng.
Đường lở - dân khổ
Do mưa lớn liên tục trong những ngày qua, tuyến quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Kon Tum đi qua địa phận xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Những mảng đất, đá lớn đổ xuống gây mất an toàn cho người đi đường, gây tắc nghẽn giao thông. Ngành giao thông vận tải Quảng Ngãi đã huy động 10 máy đào, máy xúc cùng nhân lực khắc phục các sự cố này; đồng thời phân công cán bộ hướng dẫn kèm theo gắn biển cảnh báo lở núi nguy hiểm cho người dân đề phòng mỗi khi đi qua khu vực này.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở huyện Ba Tơ, các vết nứt trên đỉnh đồi Prây kéo dài thêm hàng trăm mét, hở hàm ếch, treo lơ lửng, uy hiếp 46 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu ở làng Mâm, xã Ba Bích. Chính quyền huyện đã di dời khẩn cấp hơn 200 người dân ở làng Mâm ra khỏi vùng nứt núi thì các huyện Tây Trà, Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cũng lên phương án đưa hàng nghìn người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Nhiều tuyến đường, núi ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày qua, gây ách tắc giao thông
Tại huyện Trà Bồng, hiện có 10 điểm sạt lở núi uy hiếp các khu dân cư ở các xã Trà Lâm, Trà Sơn, Trà Giang, Trà Bùi và Trà Hiệp. Ông Hồ Văn Khanh ở xã Trà Sơn cho biết, cứ trời mưa lớn kéo dài hai ngày là người dân ở thôn Tây lại phập phồng lo. “Hiện dãy núi Ca Nhia phía sau khu dân cư xuất hiện vết nứt dài hơn 120 m, bề rộng gần 0,5 m. Cứ mưa lớn là nghe như núi đồi cựa quậy, phát ra tiếng đùng đùng khiến hàng trăm người dân trong thôn sống trong sợ hãi” - ông Thanh nói. Theo khảo sát của UBND huyện Trà Bồng, hiện nay trên địa bàn huyện còn tồn tại 10 điểm có nguy cơ sạt lở tại các điểm: tổ 1, 2, 5 thôn Trà Khương, xã Trà Lâm; thôn 1, xã Trà Giang; tổ 1 và tổ 3 thôn Tây, xã Trà Sơn; khu dân cư thôn Tang, xã Trà Bùi và tổ 3 thôn Nguyên, tổ 2 thôn Cả, tổ 3 thôn Băng xã Trà Hiệp.
Tại huyện Sơn Tây, tuyến đường từ Trung tâm y tế huyện đến cầu Huy Măng, xã Sơn Dung sạt lở trên 600m, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của 4 hộ dân khu vực này. Tuyến đường Đông Trường Sơn tại khu dân cư Ka Xim, xã Sơn Dung đã xuất hiện tình trạng sạt lở mái taluy âm cũng ảnh hưởng đến 12 hộ dân.
Trong khi đó, huyện miền núi Tây Trà cũng lập phương án di dời khẩn cấp 135 hộ dân với hơn 630 nhân khẩu ra khỏi 16 điểm sạt lở núi ở các xã Trà Quân, Trà Thanh, Trà Khê và Trà Lãnh trong mùa mưa bão năm nay.
“Do chưa được bố trí kinh phí di dời tái định cư, trước mắt, chúng tôi di dời dân lánh nạn tạm trong lều kèm theo hỗ trợ mỗi hộ 13 kg gạo và tấm bạt rộng 60 m2 dựng tạm để ở” - ông Phan Văn Hiền, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Tây Trà chia sẻ. Ông Hiền cho biết thêm, huyện Tây Trà có địa hình phức tạp, hiểm trở. Mùa mưa, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có thể xảy ra hiện tượng sạt lở núi, sa bồi, thủy phá do dòng chảy quá mạnh từ các khe suối lớn nhỏ. “Hiện, trên địa bàn huyện có 15 điểm có nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến 135 hộ với 626 nhân khẩu nằm ở các xã: Trà Quân, Trà Nham, Trà Phong, Trà Thanh, Trà Khê” - ông Hiền cho biết.
Áp dụng phương châm “4 tại chỗ”
Theo ông Phan Văn Hiền - Phó Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Tây Trà: Trước mùa mưa bão, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện và chính quyền địa phương đã chủ động kiểm tra, lập phương án chi tiết, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân đến nơi ở an toàn trong những trường hợp cần thiết. Các địa phương hướng dẫn và cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở núi để người dân biết, chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời.
Bên cạnh đó, để giúp dân trong trường hợp bị chia cắt, các địa phương kiểm tra chặt chẽ việc bố trí các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men và lương thực theo phương châm "4 tại chỗ", xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu để hạn chế việc bị động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; chuẩn bị lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng cứu và giúp dân khắc phục hậu quả của bão lũ, sạt lở.
Quảng Ngãi là tỉnh ở miền Trung, hàng năm luôn chịu tác động của thiên tai, vì vậy trước mỗi mùa mưa bão công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai luôn được chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là các điểm có nguy cơ sạt lở. Các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đã được Ban chỉ huy PCLB và TKCN các huyện quán triệt đến các xã, thị trấn, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo bám sát từng địa bàn, để kịp thời xử lý những tình huống khi mưa bão xảy ra.
Bài và ảnh: X.LAM – V.HÀ