Quảng Nam: Tìm giải pháp để phát triển rừng trồng thay thế

21/10/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành trồng rừng thay thế (TRTT) tại các khu vực có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Diện tích rừng được trồng thay thế gần như hoàn thành, tuy nhiên so với chất lượng thì độ đa dạng sinh học cũng như khả năng che phủ, làm chức năng phòng hộ của rừng trồng thay thế đã không được như trước.

Trên địa bàn huyện Phú Ninh có nhiều diện tích rừng bị khai thác vàng xong rồi bỏ hoang, hiện còn hơn 20ha chưa được hoàn thổ, trồng lại rừng
Trên địa bàn huyện Phú Ninh có nhiều diện tích rừng bị khai thác vàng xong rồi bỏ hoang, hiện còn hơn 20ha chưa được hoàn thổ, trồng lại rừng

Thiếu đa dạng sinh học

Trên địa bàn huyện Phú Ninh có nhiều diện tích rừng bị khai thác vàng xong rồi bỏ hoang nhiều năm. Hiện còn hơn 20ha chưa được hoàn thổ, trồng lại rừng. Có nơi (như xã Tam Lãnh) các đơn vị TRTT chỉ trồng cây sao đen để hoàn rừng rất thưa thớt không đạt độ che phủ. Tương tự, huyện Bắc Trà My cũng chỉ trồng cây sao đen trên diện tích rừng trồng thay thế khá lớn. Được biết, việc TRTT ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn rất sơ sài, chủng loại cây trồng không được chọn lựa kỹ lượng theo thổ nhưỡng, khí hậu và chức năng của cây. Điều này không chỉ làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm mà còn làm giảm chất lượng rừng trồng vì khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.

Thực tế cho thấy, một số khu vực rừng trồng có thực bì phát triển nhanh hơn cả cây trồng. Trong khi công tác chăm sóc rừng trồng, phát dọn thực bì chỉ triển khai 2 năm đầu không đủ để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển.

Ngoài ra, tình trạng người dân trồng keo, canh tác trên đất rừng phòng hộ đã làm ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Nhiều khu rừng đang rậm rạp cây xanh  với nhiều chủng loại cây cũng bị người dân phát dọn để lấy đất làm kinh tế. Nhiều nơi, rừng đang phát triển tốt cũng được chặt hết để trồng rừng thay thế. Liệu trồng rừng mới có đủ đa dạng sinh học như rừng cũ.

Thực tế cho thấy, một số khu vực rừng trồng có thực bì phát triển nhanh hơn cả cây trồng
Thực tế cho thấy, một số khu vực rừng trồng có thực bì phát triển nhanh hơn cả cây trồng

Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TRTT không đạt hiệu quả là do công tác khảo sát hiện trường trồng rừng còn cẩu thả, chưa chính xác. Chẳng hạn, có nhiều lô thiết kế trồng rừng trên đất nương rẫy của người dân. Một số loài cây bố trí không phù hợp với thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống rất thấp như các cây bời lời đỏ, chò chỉ, lim xanh. Đồng thời việc ghi chép nhật ký giám sát quá trình TRTT không đầy đủ. Chậm trễ trong thanh quyết toán đối với công trình trồng rừng, chăm sóc rừng.

Cần giải pháp quản lý

Để rừng thay thế sinh trưởng và phát triển tốt bên cạnh việc trồng và chăm sóc cần có cơ chế quản lý phù hợp mới có thể đảm bảo chất lượng rừng trồng thay thế.

Trồng rừng thay thế phải đảm bảo hài hòa lợi ích với phát triển sinh kế của người dân. Cần để người dân tham gia vào việc bảo vệ,  chăm sóc rừng để nâng cao trách nhiệm cho người dân và giúp người dân có kế sinh nhai. TRTT cần được lồng ghép vào các kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, kinh phí để TRTT có thể được sử dụng để thuê khoán cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng trồng mới. Phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ phát triển rừng đối với TRTT bằng những cơ chế rõ ràng và cụ thể.

Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách và giải pháp giúp người dân cải thiện sinh kế lấy rừng nuôi rừng, hạn chế tối đa nạn xâm lần rừng dai dẳng
Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách và giải pháp giúp người dân cải thiện sinh kế lấy rừng nuôi rừng, hạn chế tối đa nạn xâm lần rừng dai dẳng

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó có giải pháp giúp người dân cải thiện sinh kế lấy rừng nuôi rừng, hạn chế tối đa nạn xâm lần rừng dai dẳng. Như ở Bắc Trà My, người dân tái định cư đã được cấp đất rừng ở khu vực ít xung yếu để người dân sản xuất đã tạo dựng cuộc sống ổn định cho họ.

Bên cạnh đó, cần chia sẻ thông tin TRTT cho địa phương để tăng cường sự tham gia, giám sát TRTT. Giám sát chặt chẽ việc TRTT theo hồ sơ thiết kế, các chủ đầu tư tính toán bổ sung thay thế cây trồng chết để đảm bảo mật độ. Các đơn vị chủ rừng, ban quản lý TRTT huyện, các đơn vị tư vấn giám sát chặt chẽ việc TRTT. Khi đến độ tuổi khai thác cần có hướng dẫn về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng trồng và cơ chế hưởng lợi cũng như chia sẻ lợi ích với diện tích TRTT.

Các chủ dự án cố tình chây ỳ hoặc không TRTT cần có chế tài xử lý mạnh tay. Các dự án đầu tư có chuyển đổi rừng, nếu chưa xây dựng được phương án TRTT thì chưa được khởi công. Trước đây, nhiều chủ dự án thường viện lý do xin nợ tiền TRTT, một số dự án bán lại cho các chủ đầu tư khác gây khó khăn cho việc thu tiền TRTT.

Bài & ảnh:Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tìm giải pháp để phát triển rừng trồng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO