Quảng Nam: Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ

Lan Anh| 29/05/2020 08:41

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” do Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ với mục tiêu khôi phục nguồn lợi thủy sản và tạo sinh cho người dân Cù Lao Chàm.

Theo đó, dự án Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam được giao cho UBND thành phố Hội An làm chủ dự án.

Dự án được hiện tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), thành phố Hội An trong năm 2020 với các hoạt động gồm: hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực về quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; cử 05 cán bộ được tham gia tập huấn tại Hàn Quốc và các chuyên gia Hàn Quốc được cử đến hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại Cù Lao Chàm; tiếp tục lắp đặt khoảng 100 – 150 khối rạn nhân tạo dưới biển để tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh; hỗ trợ cung cấp các thiết bị nghiên cứu, khảo sát biển cho thành phố Hội An thông qua Ban Quản lý Khu Bảo tổn biển Cù Lao Chàm.

Trồng san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm

UBND tỉnh giao UBND thành phố Hội An chịu trách nhiệm phối hợp với nhà tài trợ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động dự án chi tiết trên cơ sở nguồn kinh phí tài trợ đã được duyệt.

Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu khi thả rạn san hô nhân tạo không làm cản trở đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; không ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng và các công trình khác như: cáp điện ngầm, cáp điện thoại, cáp internet cũng như ảnh hưởng đến luồng, tuyến giao thông đường thủy. 

Thận trọng trong việc lắp đặt vị trí các rạn san hô nhân tạo ngầm dưới biển đảm bảo khối rạn san hô sinh trưởng, phát triển; tuyệt đối không ảnh hưởng đến rạn san hô hiện có cũng như môi trường sống cho một số loài thủy hải sản nhạy cảm với môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án; số lượng các rạn san hô nhân tạo được lắp đặt phù hợp diện tích, mật độ phạm vi khu vực xác định có thể thực hiện được, tương ứng với nguồn kinh phí tài trợ và thời gian thực hiện hoạt động này

Đồng thời, cân nhắc tính khoa học và hiệu quả của hoạt động mua và thả giống một số loài hải sản bản địa có giá trị sinh học và kinh tế để tái tạo nguồn lợi thủy hải sản tại Cù Lao Chàm; Xác định thời gian thực hiện dự án phù hợp với các hoạt động và đảm bảo tính chất mùa vụ; Chấp hành đúng quy định tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển/

Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND thành phố Hội An, các chuyên gia của nhà tài trợ và giám sát các hoạt động triển khai dự án đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn UBND thành phố Hội An, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các chuyên gia thực hiện theo đúng quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO