Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam tại hội nghị, trong năm 2017, số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản tịch thu có chiều hướng giảm, nhiều điểm nóng về khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn, kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình phá rừng, lấm chiếm đất rừng trái phép để sản xuất vẫn còn diễn ra phức tạp chưa được xử lý triệt để, chưa mang tính bền vững.
Năm 2017, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 930 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 241 vụ (tương đương 23,3%) so với năm 2016. Trong đó phá rừng trái pháp luật 84 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 90,6ha (giảm 29 vụ chiếm 34,5% so với năm 2016). Tang vật phương tiện tạm giữ: 632,11m3 gỗ tròn; 612,443m3 gỗ xẻ; 230 cá thể động vật rừng; 606,8kg động vật rừng; 85 xe ô tô; 61 xe mô tô, 16 xe bò, 1 chiếc ghe, 10 cưa xăng và cùng nhiều loại tang vật, phương tiện khác.
Song song với công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm phạm tài nguyên rừng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến rừng như kế hoạch bảo khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên năm 2017 với tổng kinh phí 8.481,60 triệu đồng; triển khai đề án thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với hính sách giảm ngho nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh….
Tại Hội nghị, ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là đã tham mưu ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Tuy nhiên, trong năm 2017 cũng đã phát hiện ra nhiều tồn tại hạn chế rất đáng lo ngại, đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra, cá biệt có nơi trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, điển hình là vụ phá rừng tại huyện Tiên Phước tháng 9/2017; trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thiếu rõ ràng, chưa đồng bộ; lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế nhiều mặt; các chương trình, dự án về phát triển rừng triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác tham mưu và phối hợp giữa các lực lượng với chính quyền các địa phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Điều đó đã ảnh hưởng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thất thoát tài nguyên, tạo dư luận không tốt và gây bức xúc trong nhân dân.