Quảng Nam phấn đấu sắp xếp, ổn định hơn 7.800 hộ dân miền núi đến nơi an toàn

Lan Anh| 19/07/2021 22:16

(TN&MT) - Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ dân ở 9 tỉnh miền núi đến nơi an toàn với kinh phí khoảng 1.230 tỷ đồng.

Ngày 19/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án “Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, qua 4 năm (2017-2020) triển khai thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư cho miền núi theo Nghị quyết 12 và Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 385 tỷ đồng hỗ trợ 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho gần 7.000 hộ dân.

Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề sau các đợt mưa lũ

Tính đến cuối năm 2020, các địa phương đã giải ngân hơn 349 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch. Trong đó, hơn 181 tỷ đồng hỗ trợ san lấp nền nhà cho 6.095 hộ; hơn 134 tỷ đồng hỗ trợ di chuyển nhà cho 6.742 hộ; hơn 7,2 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt; hơn 1,9 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất cho 131 hộ dân với diện tích 150 ha/1 hộ....

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước nhu cầu bức thiết của người dân, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.

Khu tái định cư Bằng La là nơi ở các hộ dân vùng sạt lở núi Trà Leng

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 1.230 tỷ đồng, bảo đảm việc hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Theo đó, mỗi hộ dân được bố trí đất ở tối thiểu 150m2 cùng số tiền di chuyển nhà 20 triệu đồng, san lấp nền nhà 30 triệu đồng, vật liệu làm nhà tại nơi ở mới 40 triệu đồng...

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, đề án sắp xếp dân cư giai đoạn 2021-2025 là một đề án rất nhân văn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với những vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Sẽ có hơn 7800 hộ dân miền núi được hưởng lợi từ đề án sắp xếp dân cư miền núi

Các đại biểu đề xuất tỉnh, huyện trước khi đầu tư, san ủi, bố trí sắp xếp dân cư nên thành lập tổ khảo sát kỹ địa hình, địa chất. Khi quy hoạch, sắp xếp, bố trí mặt bằng hay làm nhà cần tham khảo ý kiến nhân dân. Khi triển khai phải làm một cách đồng bộ, không kéo dài gây khó khăn cho người dân, nhất là việc giải tỏa trắng tại làng cũ; đồng thời đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình như nước sạch, hệ thống điện, đường, trường, trạm…

Ông Huỳnh Tấn Sâm, Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng, Đề án sắp xếp dân cư các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nếu thực hiện sẽ có ý nghĩa rất lớn, giải quyết được những khó khăn, bức xúc của người dân miền núi khi tình trạng thiên tai, lũ quét, lũ ống thường xuyên diễn ra như hiện nay.

“Tôi đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện trước khi phê duyệt mặt bằng bố trí dân cư nên thành lập tổ công tác đi khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra những vụ sạt lở ở những ngôi làng mà lâu nay nhân dân vẫn sống ổn định để từ đó có đánh giá chính xác về tác động môi trường, quy hoạch những mặt bằng đảm bảo an toàn lâu dài cho nhân dân định cư.”- ông Sâm đề xuất.

Đồng ý với quan điểm này, ông Phạm Thế Quyền, Nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho rằng, việc xây dựng đề án là cần thiết phù hợp với nguyện vọng nhân dân và cán bộ miền núi, góp phần vào việc mục tiêu giảm nghèo xây dựng nông thôn mới miền núi.

Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ở những địa hình bằng phẳng là mơ ước của người dân miền núi

“Đối với 3 xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, thuộc huyện Phước Sơn cần phải bố trí di dời tập trung vì không thực hiện bố trí xen ghép được. Ngoài ra khi bố trí, quy hoạch đất sản xuất phải gắn liền với nơi ở.” – ông Quyền cho hay.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị này, những ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu, chọn lọc và đề nghị với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh đề án khi trình ra đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và giải quyết được vấn đề cấp thiết hiện nay là ổn định đời sống nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam phấn đấu sắp xếp, ổn định hơn 7.800 hộ dân miền núi đến nơi an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO