Thống kê từ tháng 1/2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 69 trận động đất bất thường với cường độ từ 2.5 đến 3.9 độ Richter. Trong đó, 63 trận xảy ra ở khu vực huyện Nam Trà My, Bắc Trà My nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2 đang hoạt động. Riêng tại huyện Phước Sơn, cũng đã xảy ra 6 trận động đất thuộc khu vực thủy điện Đăk Mi 3 và Đăk Mi 4. Theo các chuyên gia nhận định, các trận động đất tại Quảng Nam thuộc loại động đất kích thích. Nguyên nhân dẫn đến trận động đất này do việc tích nước của các thủy điện gây áp lực lên bề mặt đất.
Trước những diễn biến phức tạp khó lường khi mùa mưa lũ về, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn trong vận hành, điều tiết các hồ chứa mùa lũ năm 2018.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ. Thực hiện rà soát, bổ sung, sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân theo cấp báo động lũ trên các sông để chủ động ứng phó; khẩn trương xây dựng Phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập và Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập.
UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam tổ chức kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cửa van, hệ thống máy đóng mở tràn xả sâu, nguồn điện, máy phát điện dự phòng tại các hồ chứa có tràn xả sâu. Đối với các đơn vị quản lý hồ thủy điện theo Quy trình 1537, tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo, thông tin vận hành điều tiết ở vùng hạ du và hệ thống camera giám sát, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương theo quy định của Quy trình 1537.
Đồng thời, xây dựng kịch bản điều tiết lũ ứng với từng trận mưa lũ để phục vụ cho công tác theo dõi, chỉ đạo vận hành, điều tiết hồ; bổ sung máy phát điện dự phòng, đảm bảo công trình xả lũ tại các hồ chứa thủy điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kiểm tra toàn bộ 18 hồ thủy lợi trên phạm vi toàn tỉnh và có kế hoạch duy tu, sửa chữa nhằm tăng khả năng chống chịu của các công trình thủy lợi.
Hiện, Quảng Nam còn có 4 hồ thủy điện lớn, gồm A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 với gần 2 tỷ mét khối nước. Để có đủ dung tích chứa lũ, các thủy điện đang tăng cường phát điện nhằm giảm tối đa lượng nước còn lại trong hồ. Riêng thủy điện Sông Tranh 2, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận có 12 trận động đất bất thường. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ độ an toàn đối với 4 đập thủy điện này.
Quảng Nam đang yêu cầu các chủ hồ thủy điện lắp đặt các trạm quan trắc thủy văn để cung cấp thông tin chính xác về lưu lượng nước của hồ chứa, dự báo được đỉnh lũ để tính toán phương án xả lũ. Rút kinh nghiệm từ việc các thủy điện đồng loạt xả lũ trong mùa mưa 2017 gây ngập lụt trên diện rộng vùng hạ du và sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện sông Bung 2 vào năm 2016, Quảng Nam sẽ hoàn thành việc kiểm tra kỹ lưỡng các hồ đập thủy lợi, thủy điện trước ngày 31/ 8.