Quảng Nam: Nỗ lực phòng, chống xói lở bờ biển Cửa Đại

12/05/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 12/5, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Trường Đại học Thủy lợi phối hợp với Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo “Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về cơ chế xói lở và giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại” với sự tham dự của nhiều giáo sư đầu ngành của Việt Nam và Nhật Bản về lĩnh vực này.

1- GS- TS Hitoshi Tanakan (Đại học Tohoku, Nhật Bản)
1- GS- TS Hitoshi Tanakan (Đại học Tohoku, Nhật Bản)

Hội An có đường bờ biển dài khoảng 7 km. Những năm gần đây, bờ biển Hội An thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền tại khu vực phường Cửa Đại từ 30 - 50 mét. Đặc biệt, năm 2014, đoạn bờ biển từ bãi tắm công cộng đến cầu cảng Cửa Đại bị sạt lở rất lớn, gây ảnh hưởng đến nhiều công trình ven biển, các tuyến đường giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi Tanaka (Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho biết: Qua kết quả nghiên cứu ban đầu, chúng tôi nhận định, hiện tượng xói lở ở Cửa Đại liên quan rất nhiều đến thiếu hụt nguồn cát trên thượng nguồn bởi tình trạng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn làm suy giảm nguồn cát ở thượng lưu. Để có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả cần có một nghiên cứu tổng thể, phân tích kỹ các số liệu thu thập từ thực tế. Hiện nay, ở khu vực bờ Bắc của Cửa Đại đang xảy ra xói lở nghiêm trọng nhưng khu vực bờ Nam chưa diễn ra và đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án ven biển. Vì vậy, nếu không sớm có một nghiên cứu tổng thể thấu đáo thì hiện tượng sạt lở cũng có thể xảy ra ở bờ Nam trong tương lai gần, gây ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển bền vững của thành phố Hội An.

Giáo sư, Tiến sĩ Lương Phương Hậu (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, hiện tượng sạt lở bờ biển không chỉ xảy ra ở khu vực biển Cửa Đại mà hiện nay 1/4 chiều dài bờ biển Việt Nam cũng đang xảy ra tình trạng này. Hiện nay có 5 giải pháp chống sạt lở và tôn tạo bờ biển phố biến trên thế giới là gia cố bờ, mỏ hàn biển, đê giảm sóng, nuôi bãi và kết hợp tổng thể các giải pháp trên. Tuy nhiên, mỗi cửa biển có một đặc điểm riêng biệt về quá trình vận hành dòng chảy, những biến động bồi lấp do sóng biển nên trước khi triển khai bất kỳ một giải pháp lâu dài nào trong thực tế cần phải nghiên cứu thật kỹ, tránh lãng phí trong đầu tư mà không mang lại hiệu quả.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Tùng (Trường đại học Thủy lợi) đã giới thiệu về giải pháp nuôi bãi nhân tạo. Đây là một trong các giải pháp bảo vệ, tôn tạo bờ biển bằng cách sử dụng nguồn vật liệu chủ yếu là cát có chất lượng phù hợp để bù đắp cho lượng bùn cát bị thiếu hụt ở bãi biển, với hai hình thức là nuôi bãi thuần túy và nuôi bãi kết hợp với công trình. Hiện nay, nhiều dự án nuôi bãi nhân tạo đang được thực hiện thành công ở Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật… Giải pháp này có ưu điểm là vốn đầu tư ban đầu không lớn, thời gian thi công nhanh, giải pháp kỹ thuật đơn giản và có kết quả ngay, phù hợp triển khai với các bãi biển du lịch. Tuy nhiên, hàng năm phải bổ sung lượng bùn cát mới.

Những kết quả nghiên cứu tại hội thảo sẽ được tập hợp, giúp tham mưu cho thành phố Hội An đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm đối phó với hiện tượng sạt lở bờ biển hiện nay.

Dịp này, thành phố Hội An đã tiến hành lắp đặt trạm đo mực nước biển và camera giám sát để theo dõi trực tuyến hiện tượng nước dâng do sóng và hình thái bồi lấp bờ biển khu vực Cửa Đại. Qua đó, khẳng định mức độ và lựa chọn giải pháp tốt nhất cho bãi biển Cửa Đại. 

Tin, ảnh: Lan Anh – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nỗ lực phòng, chống xói lở bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO