(TN&MT) - Sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh giữa xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước), thuộc tỉnh Quảng Nam đang “nóng” trở lại. Đất thải, xái quặng thải đổ thẳng xuống sông khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng ngàn người dân.
“Oằn mình” gánh chất thải
Sông Quế Phương chảy qua địa bàn xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) do hai nhánh sông nhỏ là Trà Sung và Bồng Miêu hợp thành bắt nguồn từ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Quế Phương nước đục ngầu, vàng chóe. Đi bộ dọc hai bên bờ sông, nhiều đống đất, xái quặng thải đổ tràn lan ra mặt đất, có đống chất cao như gò đồi và bốc mùi hóa chất do nạn khai thác vàng trái phép.
Theo nhiều người dân thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, các đối tượng khai thác vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu chở quặng ra tập kết gần bờ sông Quế Phương để lấy nước đãi vàng. Ngoài ra, các hồ chứa xái ngâm cyanua để tách vàng nằm gần bờ sông cũng được họ xả chảy xuống sông này gây đục ngầu. Bên cạnh đó, trời mưa thì nước từ các điểm khai thác vàng ở bãi Kẽm, Đồi Sim,… thuộc mỏ vàng Bồng Miêu cuốn trôi nhiều hóa chất độc hại chảy theo dòng nước làm đổi màu con sông Quế Phương.
Anh Nguyễn Văn T. (thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh) bức xúc cho biết trước đây người dân thường bắt vòi dẫn nước từ sông Quế Phương về dùng. Nhưng mấy năm trở lại đây, việc khai thác vàng đã khiến dòng sông này bị ô nhiễm nặng nề vì cyanua và thủy ngân. Người dân gọi những dòng sông này là “dòng sông chết” vì trâu bò, gà vịt uống nước ở dòng sông này đều lăn ra chết.
“Sông Quế Phương bị ô nhiễm nặng là do việc khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu và người dân đãi vàng dọc bờ sông, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sinh sống ở đây. Bà con ở đây phải mua ống dây nước để bắt dẫn nước từ các khe suối trên núi cách xa nhà khoảng 100-200 mét để sinh hoạt”, anh Nguyễn Văn T. cho biết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đối tượng khai thác vàng trái phép ở các bãi vàng Bồng Miêu thường dùng xe máy chở đất quặng ra gần bờ sông Quế Phương đoạn giáp ranh giữa xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập để lấy nước đãi vàng. Để đãi được vàng, các đối tượng phải làm hồ chứa để đổ xái quặng ngâm với Cyanua để tách vàng và dùng ống nhựa để hút nước từ dưới sông lên hồ chứa xái và sau đó xả nước thải này xuống lại sông, gây ô nhiễm nguồn nước, thấm vào lòng đất.
Sông Quế Phương chảy ngược về phía Tây, đến huyện Tiên Phước thì thành sông Tiên. Trái ngược với cái tên rất thơ mộng, sông Tiên cũng chịu cảnh ô nhiễm đục ngầu, nồng nặc mùi hôi.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, lưu vực sông Tiên chảy qua 8/15 xã, thị trấn và ảnh hưởng khoảng 8 ngàn hộ dân trên địa bàn và trong đó có một nhà máy nước cung cấp nước sạch cho người dân. Tình trạng ô nhiễm sông Tiên do các hoạt động động khai thác thác, chế biến khoáng sản trái phép từ khu vực Bồng Miêu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân Tiên Phước.
“Sông Tiên là nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trên địa bàn khiến người dân lo lắng, bất an, không thể yên tâm sản xuất… Mong các cơ quan vào cuộc nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường tại địa phương.”- ông Hiệu kiến nghị.
Khó truy quét triệt để
Theo báo cáo của UBND xã Tam Lãnh, trong năm 2017, công an xã phối hợp với Đồn Công an Tam Lãnh và Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy gần 80 máy nổ, gần 100 hồ hóa chất chứa hàng trăm mét khối quặng, gần 3.000 m dây điện, hơn 90 lán trại... và đẩy đuổi hơn 400 lượt người ra khỏi địa bàn. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cũng phát hiện, tiêu hủy 10 máy nổ, 700 m dây điện, 22 lán trại, 25 hồ hóa chất, 40 lít dầu diezen.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép là vấn đề nhức nhối của địa phương. Mặc dù, chính quyền xã Tam Lãnh đã phối hợp với Đồn Công an Tam Lãnh và Công an huyện Phú Ninh đã tổ chức nhiều đợt truy quét đã phát hiện và tiêu hủy nhiều máy móc, thiết bị phục vụ khai thác vàng trái phép mỏ vàng Bồng Miêu nhưng người dân vẫn lén lút khai thác vàng trái phép. Nguyên nhân là do địa hình phức tạp, tiếp giáp nhiều địa phương, lực lượng lại mỏng, nên mỗi lần truy quét gặp không ít khó khăn. Ngoài việc người dân địa phương lén lút đào vàng, phu vàng từ các tỉnh phía bắc cũng đổ xô vào Tam Lãnh để hoạt động.
“Để hạn chế việc khai thác vàng trái phép ở địa phương, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và đưa nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định”- ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết.
Nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường tại địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn yêu cầu Công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Phú Ninh tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực xã Tam Lãnh; tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đồn Công an xã Tam Lãnh đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý trong thời gian qua, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép.