Quảng Nam: Nhà máy gạch lộng hành

17/09/2014 00:00

(TN&MT) - Ông Trần Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp hoàn toàn bất ngờ về việc này và hứa sẽ cho kiểm tra lại.

   
(TN&MT) - Chỉ vì ngăn cản không cho nhà máy vào khai thác đất trên diện tích chưa được thỏa thuận, những người dân tại tổ 3 thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn đã bị Nhà máy gạch Tuynel Nam Châu ngang nhiên đánh đập và đe dọa. 
   
“Sẽ giết thằng nào dám cản” 
   
  Theo đơn trình báo của ông Trần Phước Lữ - Tổ trưởng tổ 3, thôn Lộc Đại gửi UBND xã Quế Hiệp: Năm 2012, UBND xã Quế Hiệp họp dân thông báo sẽ cải tạo đồng ruộng tại khu vực Đồng Gáo và Gò Ban tổ 3, đồng thời thỏa thuận sẽ đền bù thiệt hại hoa màu trên mỗi m2 là 3.000 đồng và một mồ mả là 300.000 đồng. Ban đầu vài hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền bù hoa màu, riêng những hộ có mồ mả còn phân vân vì cho rằng mức đền bù quá thấp.
   
   
Người dân tổ 3 thôn Lộc Đại tỏ ra hoang mang và bức xúc trước sự lộng hành
của Nhà máy gạch Tuynel Nam Châu
   
  Tháng 3/2013, Nhà máy gạch Nam Châu bắt đầu khai thác một số diện tích đất nơi đây sau đó tạm nghỉ, đến ngày 09/9/2014 nhà máy tiếp tục mang xe múc vào khai thác đất, người dân không cho, công nhân bỏ về. Tuy nhiên, đến 14h ngày 09/9/2014, đích thân ông Nguyễn Hữu Phước – Giám đốc Nhà máy gạch Tuynel Nam Châu lái xe vào múc đất trên diện tích ruộng ông Nguyễn Hữu Bàn, bị ông Bàn ngăn cản vì hộ ông chưa chấp nhận mức tiền đền bù mồ mả, nhưng được ông Phước trả lời là đất này đã được xã bán nên ông Bàn không có quyền ngăn cản, sau đó đuổi đánh ông Bàn chạy thục mạng, đồng thời điện hơn 10 công nhân từ nhà máy gạch mang gậy gộc xông vào làng gây náo loạn.
   
“Ông Phước tuyên bố nếu không lấy được đất gạch tại khu vực này sẽ giết hết thằng nào dám cản cũng như san bằng cả làng. Tình hình lúc đó rất hỗn loạn, tụi tôi phải đánh kẻng báo động cho bà con để đối phó”- ông Lữ bức xúc.
   
  Ông Nguyễn Hữu Bàn (nạn nhân bị đuổi đánh) cho biết, đợt 1 gia đình ông chấp nhận mức đền bù 3.000 đồng/m2 vì nghĩ UBND xã thực tình muốn cải tạo đồng ruộng nhưng khi thấy nhà máy gạch đưa xe vào múc đất thì mới biết rằng cải tạo ruộng đồng chỉ là cái cớ để xã lấy đất bán cho nhà mày gạch nên đợt 2 ông không đồng ý với giá đền bù trên, nhất là với các mồ mả. Trong khi còn chưa thỏa thuận xong thì ông Phước cho xe vô múc đất xung quanh các ngôi mộ, biến những ngôi mộ thành gò đất chỏng chơ không biết sụp đổ khi nào.
   
  “Họ múc sâu xuống 3- 4 m như cái hố vậy thì cải tạo cái chi, nếu có san lấp lại thì với tầng đất sét cao lanh đó cũng không thể cấy trồng gì được, xã đã lợi dụng lòng tin của dân để bán đất thôi”, ông Bàn nói.
   
  Đặc biệt, từ khi xuất hiện những cái hố trên đã xảy ra nhiều vụ trâu bò, người dân té ngã xuống rất nguy hiểm. Mới đây nhất, ngày 10/8/2014 bốn trẻ em trong làng đi bắt cá đã bị sa chân xuống hố uống nước may được phát hiện cứu kịp thời. “Nếu xã không giải thích rõ ràng và có mức đền bù xứng đáng 18 hộ dân của tổ chúng tôi sẽ không cho xe vào lấy đất”, ông Bàn cương quyết.
   
Hồ sơ chưa được phê duyệt?
   
  Theo Đề án cải tạo đồng ruộng của UBND xã Quế Hiệp lập tháng 6/2013, quy mô của dự án bao gồm 2 khu vực là Đồng Gáo và Đồng Cung có diện tích 20,5 ha thuộc tổ 3, thôn Lộc Đại. Trong đó, quá trình cải tạo sẽ gắn liền với việc tận thu nguồn nguyên liệu đất sét dôi ra để làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynen phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện và đóng góp ngân sách cho địa phương.
   
   
Người dân hoài nghi về mục đích chính của xã về việc cải tạo ruộng đồng.
   
  Việc khai thác chỉ được múc âm xuống độ sâu trung bình là 1,93m, khối lượng đất tận thu là 395.906m3 và được tiến hành theo trình tự cuốn chiếu làm đến đâu san lấp mặt bằng, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi bàn giao đưa vào sản xuất đến đó. Ngoài ra, hồ sơ cũng yêu cầu nhà máy phải múc gạt lớp tầng bề mặt (từ 0,2m – 0,5m) dồn về một khu vực quy định để san lấp hoàn thổ sau khi khai thác xong. Với diện tích cải tạo là 205.000m2, đồng nghĩa khối lượng mặt đất bóc tầng phủ để hoàn thổ khoảng 71.750m3.
   
  Quy định là vậy, nhưng thực tế hoàn toàn khác xa khi hầu hết các hố nhà máy khai thác độ sâu đều trên 2m, thậm chí có nơi sâu đến 3m và không được san lấp. Bên cạnh đó, lớp đất phủ san bề mặt cũng được nhà máy tận thu mang về  chứ không tập trung hoàn thổ như cam kết.
   
  Theo ông Trần Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, năm 2013 xã đã cho nhà máy vào khai thác khoảng 2 sào đất nhưng sau đó nhà máy ngưng vì đang xây dựng, đến tháng 7/2014 nhà máy xin được tiếp tục cải tạo thì bị dân phản đối vì không thỏa thuận được mức đền bù.
   
  “Dự án cải tạo đồng ruộng thôn Lộc Đại là chủ trương đã được huyện và tỉnh đồng ý phê duyệt, tuy nhiên việc ông Nguyễn Hữu Phước tự tiện mang xe múc vào khai thác mà không báo chính quyền xã và chưa có sự thống nhất với dân dẫn đến xô xát là sai hoàn toàn”- ông Toàn khẳng định.
   
   
Việc khai thác diễn ra không đúng cam kết về độ sâu và hoàn thổ sau khi múc đất.
   
  Tuy nhiên, ông Toàn cũng cho rằng, một phần lỗi cũng thuộc về dân khi không chịu bàn giao mặt bằng để nhà máy thực hiện cam kết của mình là khai thác đến đâu hoàn thổ đến đó, dẫn đến việc khai thác manh múm, đứt đoạn. “Chúng tôi đã tổ chức họp dân nhiều lần để thông báo chuyện tận thu đất làm gạch công khai chứ không thể nói là lừa dân được. Còn những việc nào nhà máy làm sai dân phát hiện hãy báo cho chúng tôi, quan điểm của xã là nếu nhà máy không làm đúng cam kết sẽ bị yêu cầu dừng khai thác”, ông Toàn quả quyết.
   
  Theo ông Trần Văn Nõa – Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Quế Sơn, năm 2012 xã đã gửi hồ sơ để huyện kiểm tra đề nghị Sở TN&MT Quảng Nam thẩm định phê duyệt dự án cải tạo ruộng đồng tại tổ 3 thôn Lộc Đại. Tuy nhiên, qua thẩm định sở chỉ đồng ý cho cải tạo diện tích 14,5 ha trong tổng số 20,5ha mà xã đã đề nghị, đồng thời yêu cầu UBND xã Quế Hiệp điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế để huyện xem xét phê duyệt bàn giao mốc giới, nhưng đến nay Phòng TN&MT vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa.
   
  “Theo quy định khi nào nhận được hồ sơ chỉnh sửa huyện mới có thể phê duyệt cấp phép khai thác nhưng đến nay Phòng TN&MT vẫn chưa nhận được hồ sơ này, nên việc xã cho Nhà máy gạch Tuynel Nam Châu vào khai thác đất bằng cách nào hoặc giấy phép ai cấp thì tôi chịu, cái này chỉ có xã mới biết được?”, ông Nõa nói.
   
  Đề cập vấn đề liệu Nhà máy gạch Tuynel Nam Châu đã qua mặt xã khai thác chui hoặc xã đã bật đèn xanh cho nhà máy khai thác khi chưa có giấy phép, ông Trần Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp hoàn toàn bất ngờ với câu trả lời “Hiện Chủ tịch xã đã đi học, chúng tôi sẽ kiểm tra lại điều này!?”
   
Bài ảnh: Vĩnh Lộc – Lan Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nhà máy gạch lộng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO