Quảng Nam: Ngư dân thắng kiện công ty đóng tàu vỏ thép

31/08/2017 00:00

(TN&MT) - Hội đồng xét xử (Tòa án nhân dân TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã tuyên buộc Công ty Đóng tàu Bảo Duy phải có trách nhiệm bồi thường cho ngư dân Trần Văn Liên số tiền 2,8 tỷ đồng do để xảy ra sự cố hư hỏng máy tàu. Đây là trường hợp đầu tiên ngư dân thắng kiện doanh nghiệp đóng tàu theo Nghị định 67.

Quang cảnh buổi xét xử
Quang cảnh buổi xét xử

TAND TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra xét xử vụ ngư dân Trần Văn Liên, (52 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), khởi kiện hai doanh nghiệp đóng tàu 67.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/9/2015, ngư dân Trần Văn Liên ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép (theo Nghị định 67) làm nghề lưới chụp với Công ty đóng tàu Bảo Duy. Sau đó tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á để cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ của tàu (động cơ diesel dùng cho hàng hải hiệu Mitsubishi, mã hiệu S6R2-MPTK2). Tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Liên có công suất 944CV, giá trị hơn 16 tỷ đồng.

Theo hợp đồng cung cấp máy chính, Công ty Liên Á có trách nhiệm cử chuyên gia đến mặt bằng sản xuất của chủ tàu tại xưởng đóng tàu do ông Liên chỉ định để phục vụ việc hướng dẫn lắp đặt, chạy thử, vận hành và nghiệm thu thiết bị. Ngày 25 đến 28/3/2016, chuyên gia kỹ thuật của Công ty Liên Á là ông Tô Ngọc Tiếp đã cho nổ máy chính lần đầu với tình trạng bình thường. Sau đó, ông Tô Ngọc Tiếp và ông Liên đã ký biên bản hoàn thành việc nổ máy chính và chạy thử lần đầu tiên sau khi lắp lên tàu. Đến ngày 29/3/2016, khi cho tàu chạy thử đường dài thì xảy ra hư hỏng máy chính, các bên liên quan đổ lỗi trách nhiệm khiến ngư dân phải đâm đơn kiện ra TAND TP. Tam Kỳ.

Ngư dân Trần Văn Liên ở phiên tòa xét xử
Ngư dân Trần Văn Liên ở phiên tòa xét xử

Tại phiên tòa, ngư dân Liên khởi kiện việc tàu vừa mới đóng chưa ra khơi đã hư hỏng, nằm bờ hơn một năm nay, khiến cho kinh tế gia đình ông rơi vào khó khăn. Đại diện luật sư của ngư dân Liên cho rằng, để xảy ra việc tàu vỏ thép hơn 16 tỷ đồng chưa ra khơi đã hỏng là do máy bị hỏng không thể hoạt động được, việc đóng tàu này là do ngư dân Liên ký hợp đồng với hai công ty nói trên nên hai công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Liên.

Tại phiên tòa này, hai doanh nghiệp đóng tàu 67 gồm, Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy đã tranh luận gay gắt, vì  cả hai đều không nhận trách nhiệm việc dẫn đến hư hỏng máy và bồi thường cho ngư dân Liên.

Đại diện Công ty Liên Á, ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Giám đốc Công ty cho rằng, việc kỹ thuật của công ty ông không có mặt trong ngày 29/3/2016, lúc này tàu hoạt động thử nghiệm nên không có trách nhiệm trong việc bồi thường dẫn đến hư hỏng máy. Trong lúc này, phía Công ty Bảo Duy có mặt tại đó nên phần trách nhiệm thuộc về Bảo Duy.

Hơn một năm tàu vỏ thép ngư dân Liên nằm bờ
Hơn một năm tàu vỏ thép ngư dân Liên nằm bờ

Về phía đại diện của Công ty Bảo Duy cho rằng, đơn vị đóng tàu thì không có trách nhiệm máy, trong hợp đồng không chịu trách nhiệm về máy.

Sau thời gian nghị án, HĐXX TAND TP. Tam Kỳ đã tuyên buộc Công ty Bảo Duy phải có trách nhiệm trả cho ngư dân Liên số tiền 2,8 tỷ đồng do để dẫn đến sự cố hư hỏng máy tàu. Lý do, trong ngày 29/3/2016, Công ty Bảo Duy đã tự động điều tàu dẫn đến sự cố, lúc này không có mặt của người bên Công ty Liên Á. 

Kết thúc phiên tòa, ngư dân Trần Văn Liên cho biết: “Sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên buộc Công ty Bảo Duy trả số tiền trên, tôi rất vui mừng vì sau gần 1 năm tàu vỏ thép của tôi nằm bờ, không thể vươn khơi, đánh bắt hải sản trên hai ngư trường thuyền thống của dân tộc được, khiến nguồn thu nhập, kinh tế của gia đình tôi hết sức khó khăn”.

Tin, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngư dân thắng kiện công ty đóng tàu vỏ thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO