Quảng Nam: Ngư dân lo lắng với chất lượng tàu vỏ thép

30/06/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều ngư dân ở Quảng Nam đang hết sức hoang mang về chất lượng của tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đặc biệt, ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi), trú tổ 3, thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã kiện ra tòa án vì tàu mới chạy thử nghiệm đã hỏng máy. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đóng mới tàu ra khơi bám biển của ngư dân Quảng Nam.

Để sở hữu con tàu vỏ thép QNa-94679 TS công suất 944 CV (hành nghề chụp mực), trị giá hơn 16 tỷ đồng, trước đó gia đình ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, H. Thăng Bình) đã phải bán con tàu gỗ (hơn 800 triệu đồng) và cầm cố nhiều giấy tờ để có tiền đối ứng vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khi chỉ mới chạy thử nghiệm thì ông phát hiện con tàu đã hỏng máy. Hơn 1 năm nay ông thất nghiệp, trong khi nợ chồng nợ, ông Liên đành phải gác lại nghề đi biển để đi vá lưới cầm cự.

Ngư dân Trần Văn Liên chia sẻ, chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ (CP) vừa mới chạy thử nghiệm đã hư hỏng máy chính. Tàu này được đóng tại Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy, ở TP. Đà Nẵng. Phần máy tàu do Công ty Liên Á cung cấp là hàng của hãng Mitshubisi. Ngay từ hôm tàu vỏ thép này chạy thử nghiệm trong âu thuyền chưa được khoảng 20 mét thì tàu vỏ thép này đã bị chết máy, không nổ được.

“Tôi đã yêu cầu Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy và công ty cung cấp máy móc tại Hà Nội phải khắc phục, thay đổi máy mới cho tàu vỏ thép của tôi. Thế nhưng, hai bên đơn vị này cứ đổ thừa qua lại. Sau đó, tôi đã làm đơn gửi đến tòa án đề nhờ giải quyết hộ. Tôi mong muốn các bên liên quan phải nhanh thay máy  mới cho tàu vỏ thép của tôi. Đồng thời, đền bù thiệt hại hợp đồng để tôi yên tâm sản xuất. Gần 2 năm qua, tàu tôi vẫn còn nằm ngoài âu thuyền Thọ Quang”- ông Liên nói.

Tàu vỏ thép QNa-94679 TS của ông Liên vẫn còn nằm ở Âu thuyền Thọ Quang
Tàu vỏ thép QNa-94679 TS của ông Liên vẫn còn nằm ở Âu thuyền Thọ Quang

Theo ông Liên, trong một thời dài không có tàu đi biển nên các bạn thuyền của tàu ông đã bỏ đi làm chỗ khác khiến ông mất khoản tiền đặt cọc cho bạn thuyền. Một năm có 2 vụ biển mà ông đã nghỉ ở nhà gần 2 năm rồi nên không có nguồn thu nhập lo cho gia đình.

Không chỉ có ông Liên, con tàu vỏ thép QNa-95997 TS công suất 822 CV trị giá hơn 11 tỷ đồng của ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) cũng đang nằm bờ tại Đà Nẵng. Mẫu thiết kế tàu vỏ thép của ông Thu là một trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT, hành nghề lưới rê.

Ông Phan Thu chia sẻ: “Vào ngày 12/6, tàu vỏ thép QNa-95997 TS, công suất 822 CV, trị giá hơn 11 tỷ đồng của tôi khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa, của Việt Nam, cách bờ khoảng 135 hải lý thì tàu bị hư hỏng hộp số và thả trôi trên biển. Tôi đã gọi ICom về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II ở TP. Đà Nẵng nhờ trợ giúp. Sau đó, tàu vỏ thép của tôi được một tàu vỏ thép khác ở xã Bình Minh lai dắt vào bờ tại Đà Nẵng để sửa chữa. Ngoài ra, tình hình trạng tàu vỏ thép thường bị hư hỏng, khiến tôi và các chủ tàu vỏ thép rất khác lo lắng”.

Hầm chứa trên tàu ông Thu bị rỉ sét sau hơn 1 năm hoạt động
Hầm chứa trên tàu ông Thu bị rỉ sét sau hơn 1 năm hoạt động

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, toàn Quảng Nam hiện nay được đóng mới 61 tàu vỏ thép, đến nay đã có 32 tàu đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Trong những chuyến biển ra khơi đầu tiên của tàu vỏ thép, nhiều ngư dân Quảng Nam đã nhận thấy chất lượng đánh bắt rất kém. Điều này theo các ngư dân một phần do tập quán sản xuất tàu vỏ gỗ đã quen, phần khác do tàu mới không đem lại hiệu quả.

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Địa phương đã ghi nhận những thông tin xung quanh tàu cá đóng theo Nghị định 67. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới nhằm phát huy những lợi thế của tàu vỏ thép và để ngư dân học làm quen với cái mới từ đó mới có thể đánh bắt hiệu quả.

“Theo thông tin tôi được biết thì nhiều khả năng cuối tháng 6 này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67; nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề “nóng” hiện nay là bảo hiểm tàu cá, dự báo ngư trường, nguồn lợi cũng như tổ chức lại sản xuất trên biển để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày”- ông Huỳnh Tấn Đức nói.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngư dân lo lắng với chất lượng tàu vỏ thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO