Quảng Nam: Ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm biển

14/07/2016 00:00

(TN&MT) - Vùng ven biển tỉnh Quảng Nam dài 125km chạy dọc theo 6 huyện, thành phố là nơi tập trung hầu hết các hoạt động kinh tế trọng điểm. Nhận thấy những nguy cơ ô nhiễm từ các hoạt động này, đối với biển, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường các giải pháp để ngăn ngừa và bảo vệ biển.

Vùng biển Cù Lao Chàm, điểm sáng môi trường biển an toàn tại Quảng Nam
Vùng biển Cù Lao Chàm, điểm sáng môi trường biển an toàn tại Quảng Nam

Nguy cơ ô nhiễm cao

Thống kê của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, lượng nước thải từ các KCN, CCN ước khoảng 23.600m3/ngày đêm, nhưng chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Bắc Chu Lai và CCN Trường Xuân có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 7.100m3/ngày đêm. Lượng nước thải còn lại chưa qua xử lý đổ xuống sông suối, môi trường xung quanh.

Vùng biển Cửa Đại, ngoài hiện tượng nước biển dâng cao, xâm thực đất liền, còn tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm từ sông Vu Gia - Thu Bồn. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng kim loại nặng và các hóa chất độc hại trên thượng nguồn và một lượng nước thải không nhỏ xả ra từ các nhà máy ở khu, cụm công nghiệp… là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển rất cao.

Nguồn nước phía hạ lưu Thu Bồn bị đe dọa bởi tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị. Sông Vĩnh Điện có nồng độ dầu mỡ ở mức cao, sông Hoài chảy qua Hội An, qua kết quả quan trắc các năm cho thấy, ngoài chất rắn lơ lửng còn có nhiều thông số dầu mỡ, hàm lượng Sắt, Amoni Photphat và vi sinh Coliform bị ô nhiễm từ sự phân bố dân cư đông đúc cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn ven sông dày đặc. Nước biển khu vực cảng Cửa Đại, Cửa Lở có hàm lượng sắt đều vượt giới hạn bình thường.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường biển Quảng Nam. Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, hàm lượng sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, các hoạt động nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình du lịch ven biển dần hủy hoại môi trường biển. Phong trào nuôi tôm trên cát ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình đã tàn phá môi trường nước biển. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, bình quân mỗi ha nuôi tôm thải ra môi trường hơn 3.000m3 nước thải/năm (tương đương tổng lượng thải toàn tỉnh mỗi năm là 6 triệu m3). Riêng nuôi tôm lót bạt thời gian qua, hầu như xả thẳng ra biển.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ TN&MT kiểm kê tải lượng thải từ đất liền ra vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng cho thấy tổng lượng ô nhiễm hàng năm khoảng 92,6 nghìn tấn COD, 22,4 nghìn tấn BOD, hơn 428 nghìn tấn tổng chất rắn lơ lửng, gần 83 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại.

Theo dự báo, nước biển ven bờ sẽ chịu sự tác động nặng nề hơn do thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các dự án du lịch ven biển.

Phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm

Để tránh mắc sai lầm trong việc xây dựng các dự án ven biển, tỉnh Quảng Nam chỉ chọn và thu hút các dự án phù hợp, đồng thời, tăng cường hậu kiểm đánh giá tác động môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu khẳng định, chính quyền, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát, hậu kiểm, buộc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đúng theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường như đã cam kết trong các dự án đầu tư.

Ông Thu cũng cho biết, bờ biển Quảng Nam đã được quy hoạch, phân loại. Phía sát biển từ 1 - 1,5km chỉ dành để phát triển dịch vụ, không có công nghiệp ở đó. Kế tiếp là đô thị, sau đó, mới tới công nghiệp. Như vậy, các dự án công nghiệp chỉ được thu hút ở phía Tây đường 129 và phía Tây sông Trường Giang. Công nghiệp khu vực này phục vụ cho sự phát triển của các dự án đô thị, dịch vụ, du lịch nên chắc chắn phải lựa chọn những dự án công nghiệp sạch, không thể gây ra sự cố về ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, đối với các vùng biển du lịch, việc ổn định sinh kế cho người dân là vô cùng quan trọng. Khi người dân thấy được nguồn lợi từ nguồn tài nguyên biển việc bảo vệ môi trường biển sẽ là ý thức tự giác của mỗi người dân. Vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An) là một trong những điểm sáng môi trường biển an toàn tại Quảng Nam. Người Tân Hiệp cho rằng, bảo vệ môi trường biển để bảo vệ đa dạng sinh học xã đảo và mời gọi du khách. Đó cũng chính là sự vận dụng có trách nhiệm việc bảo vệ tài nguyên biển đảo để “bảo vệ” sinh kế bền vững cho chính người dân địa phương. Dịch vụ homestay được người dân Tân Hiệp xây dựng trong nhiều năm qua ngày càng phát huy các giá trị du lịch sinh thái.

Tại đây, người dân đã trực tiếp quản lý tất cả hoạt động liên quan đến bảo tồn biển khu vực này. Việc điều phối, giám sát, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường biển của các tổ tuần tra, tổ tự quản, tổ truyền thông được triển khai hiệu quả. Các cơ chế, chính sách, tiến bộ trong bảo tồn biển từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu… luôn được các lực lượng cập nhật và ứng dụng kịp thời, nâng cao bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo. Sinh kế ổn định từ bảo vệ môi trường và tài nguyên biển của người dân Tam Thanh (TP. Tam Kỳ)  cũng không mới lạ. Bãi biển Tam Thanh sạch đã trở thành “tâm điểm” du lịch biển phía Nam Quảng Nam. 4 đến 5 giờ sáng, đều đặn mỗi ngày, 4 công nhân bảo vệ môi trường biển Tam Thanh tiến hành quét dọn, nhặt các túi ni lông, rác thải… tập kết gọn gàng vào các thùng chứa rác. Ngoài ra, 150 phương tiện khai thác hải sản ven bờ và 65 tàu đánh bắt hải sản tuyến lộng đều hoạt động đúng ngư trường phân vùng, đúng mắt lưới quy định. Các nghề dễ tận diệt nguồn lợi thủy sản như: giã cào, bẫy ghẹ bằng lồng hầu như đã “đoạn tuyệt”.

Hiện, vùng biển ở Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành... thông qua các nguồn lực đầu tư, chính quyền đã nỗ lực bảo vệ bền vững môi trường biển như phủ xanh rừng phòng hộ ven biển và sông, huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vào cuộc, doanh nghiệp làm kinh tế từ môi trường. Sở TN&MT đang tích cực đánh giá các tác nhân, yếu tố gây ô nhiễm vùng bờ và đề xuất các giải pháp.

Bài và ảnh: Yến Nhi - Anh Dũng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO