Giếng khô, người héo
Dưới cái nắng như thiêu đốt của trưa hè tháng 7,ông Trần Đình Thảo (52 tuổi, trú thôn Tân Đông Tây, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn) vẫn phải xách từng thùng nước cách nhà hơn 150m để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Ông Thảo cho biết, hằng năm, cứ vào mùa nắng nóng cả thôn lại lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Gia đình ông đã bỏ ra cả chục triệu đồng để thuê người đóng giếng khoan nhưng vẫn không có nước vì nguồn nước ngầm ở địa phương đang dần cạn kiệt vào mùa nắng.
“Hiện nay, toàn bộ 4 cái giếng khoan và 1 giếng đào của gia đình ông đều kiệt đến đáy. Nếu cứ nắng nóng kéo dài vài tháng nữa, khả năng nhiều giếng khoan và giếng đào của gia đình tôi và các hộ dân khác không còn nước”- ông Thảo lo lắng.
Bà Võ Thị Ánh (trú thôn An Xuân, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn) cho biết, vài năm trở lại đây, vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, các giếng đào bắt đầu khô trơ đáy. Để có nước sinh hoạt bà Ánh và nhiều hộ dân trong thôn phải đi gánh nước ở nhà người dân gần các khe suối mới có nguồn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh, mỗi ngày.
Cũng gia đình ông Thảo, nhà bà Ánh cũng đã bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để đóng giếng khoan sâu hơn 50m mới có nước. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng thì lượng nước ngầm hút lên từ giếng khoan rất ít, có khi không đủ nước chảy lên bồn chứa.
Ông Bùi Khắc Sơn- Phó trưởng Ban nông nghiệp xã Phú Thọ cho biết, toàn xã có 7 thôn, trong đó có 4 thôn gồm Tân Đông Tây, An Xuân, Đông Nam và Phước Chánh là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, với tổng số gần 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
“Việc ăn uống, tắm giặt của các hộ dân hoàn toàn dựa vào 300 giếng đào và hơn 100 giếng khoan. Vậy nhưng, hiện giờ phần lớn giếng đào của địa phương đã cạn kiệt nước khiến việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.”
Trước tình trạng này, UBND xã Phú Thọ cùng với Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn và đơn vị khai thác công trình nước sạch đã đi kiểm tra, khảo sát và rà soát các thôn trên địa bàn xã cần xây dựng công trình nước sạch bằng hệ thống đường ống nước từ hồ đập Việt An xuống để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân các thôn trên thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, điều khiến ông Sơn lo ngại nhất hiện nay là mạch nước ngầm ở địa phương đã tụt giảm mạnh, nếu làm giếng khoan thì phải đóng với độ sâu 30 - 50m mới hy vọng có nước, thậm chí vừa rồi có trường hợp tại thôn Tân Đông Tây phải đóng tới độ sâu 93m mới có nước.
Lo ngại cạn kiệt nước ngầm
Ông Nguyễn Sửu- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, trên địa bàn huyện đang vào mùa nắng nóng nên mực nước của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện xuống thấp, trong khi đó dòng chảy trên các sông suối cũng đang cạn kiệt dần. Đặc biệt, mạch nước ngầm ở nhiều nơi tụt giảm mạnh khiến phần lớn giếng nước sinh hoạt của người dân bị thiếu hụt nước nghiêm trọng. Tại xã Phú Thọ và Quế Thuận, hơn 1 tháng nay người dân ở các khu vực có mật độ dân cư đông phải đi xa từ 2 - 3km xin nước ở các khu vực dân cư thấp hơn, lấy nước ở sông suối để sử dụng. Tình trạng sử dụng nước không hợp vệ sinh đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
“Qua khảo sát thực tế và báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện giờ toàn huyện có khoảng 3.118 hộ dân với ít nhất 12.000 nhân khẩu đang thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Phú Thọ, Quế Thuận…Cứ nắng nóng kéo dài vài tháng nữa thì nguồn mạch nước ngầm ở các xã Phú Thọ, Quế Thuận… sẽ tụt giảm mạnh, người dân ở hai xã này không có nước để sinh hoạt và nước sản xuất hoa màu.”- ông Sửu lo lắng.
Trước thực trạng này, hiện UBND huyện Quế Sơn đang thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng nước sinh hoạt cho nhân dân. Theo đó, thời gian tới, bằng việc linh hoạt huy động và lồng ghép nhiều kênh vốn, huyện sẽ chi hơn 9 tỷ đồng để thi công 7 giếng đào, 30 giếng khoan ở nhiều nơi và xây mới, nâng cấp 4 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Châu.