Quảng Nam: Lo chống hạn, mặn sớm

Lan Anh| 14/01/2020 22:54

(TN&MT) - Theo thống kê tại 73 hồ chứa thủy lợi trong toàn tỉnh Quảng Nam, hiện tổng lượng nước thiếu so với quy trình khoảng 74 triệu khối. Đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu khối. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước đang hiện rõ.

Căng thẳng nước

Mùa mưa bão năm 2018 và 2019 không có mưa lớn nên lượng nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện tại Quảng Nam vẫn thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Đến ngày 31/12/2019, mực nước trong hồ thủy điện A Vương ở mức 352,8m, thấp hơn mực nước dâng bình thường đến 27,2m. Công ty CP Thủy điện A Vương đã quyết định hạn chế phát điện thông qua xả nước từ ngày 22/11/2019 và dừng phát điện hoàn toàn từ ngày 1/12/2019 để ưu tiên tích nước nhằm phục vụ điều tiết nước và sản xuất điện trong năm 2020.

Các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia hạn chế xả nước dài ngày do khô hạn bất thường

Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, mỗi năm, hồ thủy điện A Vương sử dụng bình quân 1,61 tỷ m3 nước để phát điện, nhưng dung tích hữu ích của hồ chứa chỉ 266 triệu m3 nước. Như vậy, trữ lượng nước tích trữ trong các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện để sử dụng trong năm đến 1,3 tỷ m3 nước. Trữ lượng nước này có được nhờ mưa lớn trong suốt mùa mưa bão, thậm chí có nhiều lũ lớn. Nhưng trong thời gian qua, lượng mưa ở các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện A Vương rất kém, không xuất hiện lũ, dẫn đến trữ lượng nước tích trong các cánh rừng rất ít.

“Nếu trong mùa hè của năm 2020 mà không có mưa thì sẽ có thêm một kỷ lục mới về hạn, mặn.Công ty cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam khuyến cáo tình trạng khô hạn bất thường và đề nghị có biện pháp chủ động ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước.”- ông Thế cho hay.

Tại hồ chứa nước Đông Tiển, ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có dung tích thiết kế khoảng 7,6 triệu m3, phục vụ nguồn nước tưới cho gần 450 ha diện tích sản xuất lúa ở vùng tây huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hồ chứa này chỉ tích được khoảng 50% lượng nước. Dự báo, với lượng nước hiện tại hồ Đông Tiển chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của vụ Đông Xuân 2019-2020; còn với vụ Hè Thu năm 2020, khoảng 220 ha diện tích sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.

Các trạm bơm sẽ phải "đau đầu" ứng phó với hạn mặn đến sớm

Khẩn trương ứng phó

Trong vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam gieo trồng khoảng 78.000 ha, trong đó diện tích đất lúa gieo sạ là trên 42.000 ha. Năm 2019, hạn mặn đã làm ảnh hưởng hơn 3.000 héc ta lúa, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Quảng Nam.

Khi kịch bản thiếu nước xảy ra, gần 7000 hecta lúa ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc sẽ xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng đầu tiên. Tại lưu vực sông Vu Gia khô hạn thì vấn đề nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng cuối nguồn sẽ rất khó khăn do nhiễm mặn.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã khuyến cáo người dân sử dụng giống ngắn và trung ngày, đồng thời thực hiện chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết vụ Đông Xuân không ảnh hưởng lớn nhưng lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ thiếu nước cho vụ Hè thu.

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam gieo trồng khoảng 78.000 ha

“Nếu điều kiện thời tiết đầu vụ đông xuân có mưa, hoặc nước đệm còn thì sẽ khuyến cáo là không cấp nước để làm đất mà tận dụng lượng nước còn lại trên ruộng để làm đất. Thứ hai, các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn để đảm bảo thực hiện. Bên cạnh đó, cũng sử dụng các giải pháp tận dụng nước hồi quy của các sông suối nhỏ, của các ao để bơm cấp nước cho vụ Đông Xuân, để tiết kiệm lượng nước hiện có ở các hồ thủy lợi, thủy điện để phục vụ cho vụ Hè Thu.” – ông Trương Xuân Tý nói.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp tăng cường phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ về tình hình hạn hán nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn nước thích hợp để sử dụng có hiệu quả.

Sở NN&PTNT theo dõi, chỉ đạo vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh; đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước. Các địa phương, đơn vị theo dõi lịch thời vụ và cơ cấu sử dụng các bộ giống ngắn ngày.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Lo chống hạn, mặn sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO