Quảng Nam: Lên phương án chống hạn cho hạ du

17/11/2016 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, lượng nước trên hai con sông Thu Bồn và Vu Gia phân bố không đều giữa mùa mưa và mùa khô bởi các đập thuỷ điện án ngữ trên thượng nguồn. Việc thay đổi dòng chảy do tình trạng khai thác cát ồ ạt trên 2 con sông này đã khiến vùng hạ du của tỉnh Quảng Nam thường xuyên xảy ra tình trạng sói lở và hạn hán trên diện rộng.   

Thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô

Theo số liệu khảo sát thống kê 5 năm trở lại đây, cùng với tác động bất lợi của thời tiết cực đoan, lượng mưa trung bình vào mùa khô ở Quảng Nam đã giảm rõ rệt khiến tình trạng hạn hán ở vùng hạ du của địa phương này như Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc diễn ra ngày càng  phức tạp. Trung bình mỗi năm Quảng Nam có 4 tháng  khô hạn cao điểm, riêng năm 2016 kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9. Các tháng thiếu nước tập trung vào tháng 3, 4, 5, 6, 7 khi lượng mưa trung bình thấp hoặc không có mưa, kết hợp nắng nóng gay gắt lượng nước bị bốc hơi nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng ngày một nghiêm trọng hơn, trong khi đây lại là thời điểm gieo trồng, chăm sóc vụ hè thu đối với cây lúa và cây màu với nhu cầu lượng nước lớn.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế, Hội An đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do hạn hán và xâm nhập mặn
Làng rau nổi tiếng Trà Quế, Hội An đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do hạn hán và xâm nhập mặn

Ông Hoà, nông dân ở xã  Phú Thọ (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, 3 năm nay, hơn 4 sào đất trồng lúa của ông chỉ sản xuất được 1 vụ do thiếu nước. Ông đã phải chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai, mỳ nhưng cũng không đủ nước tưới trong những tháng nắng cao điểm. Do hiệu quả sản xuất không cao nên có thời điểm toàn bộ đất canh tác ở khu vực này phải bỏ hoang, cỏ dại cũng chẳng mọc được. Không riêng gì ông Hoà, hàng trăm hộ dân khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Đối với vùng sản xuất rau Trà Quế nổi tiếng của TP. Hội An những năm gần đây việc canh tác của người nông dân cũng gặp rất nhiều kho khăn do thiếu nước tưới và tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nhanh.

Theo PGS. TS Nguyễn Trung Việt- Hiệu trưởng trường Cao đẳng CNKT và Thuỷ lợi Miền Trung thì hiện tượng xâm nhập mặn trong những năm gần đây ở  vùng hạ du của Quảng Nam đang diễn biến phức tạp. Nguồn nước vào mùa  khô từ tháng 2 đến tháng 8 trên các sông Thu Bồn (tại Câu Lâu) và sông Vĩnh Điện liên tục bị nước mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn ngày càng lớn, thời gian xuất hiện ngày càng sớm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại các địa bàn của huyện Duy Xuyên, TX. Điện Bàn và TP. Hội An. Tình trạng thiếu nước cũng diễn ra ở vùng Hiệp Đức - Nông Sơn, tại Khe Tân - Khe Cống mực nước chỉ đạt 40 - 60%. Trong khi đó trong những năm tới, vùng thượng  lưu sông Vu Gia cần nhu cầu sử dụng 148 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt; vùng thượng lưu sông Thu Bồn là 540 triệu m3; lưu vực sông Ly là 128 triệu m3; lưu vực sông Túy Loan 105,4 triệu m3 và vùng hạ lưu  sông Vu Gia - Thu Bồn là 824,745 triệu m3 mỗi năm, nhưng hiện nay lượng nước chỉ có thể  đáp ứng được từ 40 – 60% trong mùa khô và phụ thuộc rất nhiều vào các đập thuỷ điện án ngữ trên thượng lưu. Hiện nay, trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn có 11 công trình thủy điện lớn, vừa, đã và đang xây dựng.  

Cần có những biện pháp dài hạn

Các nhà khoa học đã tính toán các kịch bản về nhu cầu nước ở các khu vực, theo đó việc sửa chữa, nâng cấp các công trình sẵn có và xây dựng mới các công trình khác ở các vùng là giải pháp cấp thiết trong thời điểm hiện nay của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, vùng thượng lưu Thu Bồn, cần phải xây dựng và nâng cấp đối với 86 công trình thủy lợi (41 hồ chứa, 45 đập dâng) nhằm cấp nước tưới cho 17.000 ha cây trồng. Vùng thượng lưu sông Vu Gia Quảng Nam cần xây dựng 73 hồ chứa với tổng dung tích 497,46 triệu m3 để tưới cho 22.239 ha. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được 5 hồ chứa nước 10 triệu m3 trở lên; 30 trạm bơm trên sông Vu Gia, 50 trạm trên sông Thu Bồn, 4 trạm trên sông Vĩnh Điện phục vụ nước tưới cho 5.487 ha đất trồng lúa, nhưng  hiện nay cũng chỉ  đáp ứng được 80%  theo công suất thiết kế, nên cần phải nâng cấp tiếp 14 công trình, 3 trạm bơm, 1 đập dâng và 8 hồ chứa khác để cung cấp thêm cho khoảng 1.000 ha. Ngoài ra cần xây mới thêm 36 công trình, 5 hồ chứa, 29 đập dâng, 2 trạm bơm để điều tiết nước phục vụ cho mục đích sản xuất khác.

Hạn hán kéo dài, thiếu nước khiến những cánh đồng lúa của huyện Quế Sơn, Quảng Nam không thể phát triển
Hạn hán kéo dài, thiếu nước khiến những cánh đồng lúa của huyện Quế Sơn, Quảng Nam không thể phát triển

PGS. TS Nguyễn Trung Việt cho biết thêm: Khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn có tới 22.000 ha đất đai sản xuất, trong khi đó diễn biến dòng chảy của 2 con sông hiện nay rất phức tạp, có nhiều dòng chảy ngang và gần biển nên bất lợi về hạn hán và xâm nhập mặn, nên tỉnh Quảng Nam cần  phải tính toán để nâng cấp trạm bơm Ái Nghĩa (Đại Lộc), Cẩm Vân, Bến Hục (Điện Bàn); xây dựng đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và nâng cấp đập chính An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít để cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.

Các nhà khoa học cũng đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần nâng công suất cấp nước đối với nhà máy nước Hội An, Tam Kỳ, xây dựng thêm nhà máy nước trên sông Thanh Quýt, Điện Bàn. Bên cạnh đó giữ nguyên các công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn đã có. Ngoài ra, cần tính đến các giải pháp phi công trình như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống lúa, hoa màu chịu hạn, chịu mặn vào sản xuất, xây dựng mô hình tưới tiêu thông minh, quản lý tốt tài nguyên nước, ưu tiên phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong việc tiết kiệm nước, tránh lãng phí.

                                                                          Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Lên phương án chống hạn cho hạ du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO