Quảng Nam: Hiệu ứng "kép" từ mô hình ứng phó với BĐKH

26/05/2015 00:00

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là mối hiểm họa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của mọi người dân. Tỉnh Quảng Nam đã tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng hàng chục mô hình không chỉ ứng phó hiệu quả với BĐKH mà còn giúp cho người dân phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lợi ích trước mắt và lâu dài

Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tác động nhất do ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH gây ra. Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho thấy, từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện gần 60 trận lũ lớn nhỏ, làm chết ít nhất 570 người và gần 2.000 người bị thương. Trước thực tế đó, Quảng Nam đã tranh thủ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài xây dựng các công trình thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai. 10 mô hình thí điểm tại Quảng Nam đã đem lại kết quả khả quan.

Mô hình kè chống sạt lỡ bờ sông, kênh mương thủy lợi kết hợp với hệ thống giao thông vừa thích ứng với BĐKH, vừa mang lợi lợi ích kinh tế lâu dài
Mô hình kè chống sạt lỡ bờ sông, kênh mương thủy lợi kết hợp với hệ thống giao thông vừa thích ứng với BĐKH, vừa mang lợi lợi ích kinh tế lâu dài

Trong đó, các công trình Trạm y tế kết hợp với Nhà đa năng tránh bão lũ ở xã Bình Đào (Thăng Bình) và xã Điện Tiến (Điện Bàn) với kinh phí đầu tư gần 14 tỷ đồng đã phát huy tối đa công năng sử dụng, không những là nơi trú ẩn an toàn cho người dân tại các xã vùng ven sông ven biển lúc cần thiết, mà còn có thể sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc sử dụng như một trạm y tế xã hoặc cụm xã… Nhiều người dân ở Bình Đào bộc bạch, trước đây đến mùa mưa bão là phập phồng âu lo do sống trong căn nhà bán kiên cố. Việc đào hầm tránh bão rất tốn thời gian, công sức. Từ ngày nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão ở địa phương đưa vào sử dụng, người dân đã bớt lo âu.

Mô hình kênh mương thủy lợi ở hai địa phường Quế Sơn và Tiên Phước đã đảm bảo chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho hơn 600 ha lúa nước của hơn 2.000 hộ gia đình. Mô hình thí điểm kè 400m ở làng Trà Nhiêu (thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) đã mang lại “lợi ích kép”. Từ năm 2012 khi dự án hoàn thành, tình trạng sạt lở đất qua khu vực này hầu như không xảy ra, hơn 40ha đất nông nghiệp được bảo vệ, gần 100 tàu đánh bắt xa bờ có thể vào neo đậu an toàn. Tuyến kè cũng giúp loại hình du lịch sinh thái vườn chớm phát triển tại đây. Điều quan trọng, hơn 200 hộ đã được bảo vệ và nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH.

Lồng ghép tạo nguồn lực

Theo ông Võ Như Toàn - Phó Chánh Văn phòng Hợp phần thích ứng với BĐKH Quảng Nam: Đầu tư cho các hoạt động BĐKH cụ thể tại Việt Nam là mới và Quảng Nam là 1 trong 2 tỉnh nhận được nguồn vốn đặc biệt. Do đó, Quảng Nam chú trọng mỗi hoạt động phải có giá trị trình diễn cao, bao gồm: Đổi mới, sử dụng cơ hội ưu tiên cho các ý tưởng và khái niệm trình diễn; Lồng ghép, kết hợp các hoạt động nhằm thể hiện toàn bộ vấn đề, ví dụ kết hợp đào tạo an toàn cộng đồng cùng với xây dựng nhà trú bão; Suy nghĩ trước: tính đến các biến đổi BĐKH tương lai và kế hoạch phát triển vùng và kế hoạch của tỉnh hiện có; Nhân rộng dự án, các hoạt động ưu tiên nên được xem xét bài học kinh nghiệm, các hoạt động có thể được áp dụng trong các chương trình sắp tới; Vận động, công khai các kết quả đạt được từ đó mọi người có thể học hỏi được kinh nghiệm.

Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tác động nhất do ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH gây ra
Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tác động nhất do ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH gây ra

“Bên cạnh đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, địa phương đã làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đối với cộng đồng, qua đó huy động được sự đồng thuận của người dân tham gia hiến đất, cây cối, tài sản… Quy trình lựa chọn, lập kế hoạch, triển khai và giám sát các dự án được thực hiện với sự tham gia tích cực của cộng đồng hưởng lợi. Đồng thời tỉnh cũng thiết lập được cơ chế nguồn kinh phí đối ứng từ địa phương, từ đó người dân và chính quyền có trách nhiệm trong quản lý, bảo dưỡng và vận hành công trình khi dự án kết thúc. Ngoài bàn bạc, dân chủ thảo luận trong lựa chọn nhà thầu, vật liệu triển khai dự án, người dân còn tích cực tham gia giám sát công trình, giúp cho chất lượng và tiến độ công trình được đảm bảo; đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó và dân chủ trong cộng đồng” - ông Toàn nói.

Hiện các vùng nằm ở ven sông, cửa biển của tỉnh Quảng Nam như TP. Hội An, huyện Núi Thành là những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó có hiện tượng nước biển dâng cao. Những năm qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án cải tạo môi trường, trồng cây xanh tại ven biển nhằm hạn chế thiên tai, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó,  Chương trình Liên minh đất ngập nước ở Quảng Nam được chính quyền đặc biệt quan tâm, cụ thể là việc bảo vệ và phát triển bền vững khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh, TP. Hội An. Các mục tiêu chính của Liên minh bước đầu đã được đáp ứng như quy hoạch, đánh giá hiện trạng đất ngập nước, hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật, hoạt động sinh kế của người dân khu vực rừng dừa… Các bước tiếp theo của Liên minh đó là tiếp tục hỗ trợ người dân bảo vệ, khai thác hợp lý rừng dừa nước.

Bài và ảnh: Xuân Lam 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Hiệu ứng "kép" từ mô hình ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO