Quảng Nam: Hiệu quả từ việc 5 năm thi hành Luật Khoáng sản

23/12/2016 00:00

(TN&MT) - Sau 5 năm, Luật Khoáng sản năm 2010 được triển khai thực hiện trên thưc tế, ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của đại đa số cán bộ, công chức, nhân dân và các tổ chức, cá nhân tỉnh Quảng Nam đã được nâng lên rõ nét. 

Chú trọng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Từ năm 2011 đến 2015, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ KS chưa khai thác, trong đó có một số văn bản quan trọng: Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của UBND về tăng cường các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng trên địa bàn. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên KS; chỉ đạo và bố trí nguồn kinh phí cho các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác KS trái phép; thu hồi hoặc chỉ đạo UBND cấp xã thu hồi các văn bản trái quy định pháp luật; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm, khuyết điểm; xử lý vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân có liên quan...

Đối với cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, chốt chặn bảo vệ KS chưa khai thác tại các điểm nóng về khoáng sản như: vàng, thiếc ở huyện Bắc Trà My; cát, sỏi, sạn tại các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc; vàng tại các huyện Đông Giang, Tiên Phước, Phước Sơn; đất san lấp tại huyện Núi Thành; cát trắng tại huyện Thăng Bình...

Những dòng sông Quảng Nam tan nát vì khai thác vàng
Những dòng sông Quảng Nam tan nát vì khai thác vàng

Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tự tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 2.600 đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi hơn 3.373 đối tượng; tịch thu, phá, tiêu hủy 2.492 lán trại, 2.205 máy nổ... cùng nhiều phương tiện, dụng cụ khác; đình chỉ, buộc tháo dỡ, di chuyển 82 tàu cuốc, 51 giàn tuyển, 37 băng chuyền...;  phát hiện và điều tra xử lý 2.033 vụ, khởi tố điều tra 20 vụ, 40 bị can về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, truy tố 2 trường hợp chống người thi hành công vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về khoáng sản với tổng số tiền 33,59 tỷ đồng. Đồng thời tiến hành xác minh, giải quyết các trường hợp kiến nghị của nhân dân, phản ánh của báo, đài về tình hình khai thác KS trái phép, ô nhiễm môi trường.

Qua công tác chỉ đạo, thực hiện Luật Khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã chấn chỉnh, cảnh tỉnh răn đe các tổ chức, cá nhân đã vi phạm hoặc có ý định vi phạm các quy định pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về KS cũng như hoạt động KS góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực do hoạt động KS gây ra.

Còn nhiều vướng mắc 

Mặc dù đã có nhiều đổi thay hiệu quả khi thi hành luật KS năm 2010, tuy nhiên do đặc thù của địa phương và nên tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều vướng mắc khi thi hành luật.

Tỉnh Quảng Nam là tỉnh có địa bàn rộng, cán bộ chuyên trách theo dõi về lĩnh vực KS cấp xã, thị trấn chưa có nên công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động khai thác chưa thường xuyên, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa kịp thời.

Trong công tác bảo vệ KS chưa khai thác, các cấp chính quyền xã, thị trấn chưa quản lý, theo dõi thường xuyên, còn xem đây là nhiệm vu cấp trên. Các đoàn, đội, tổ kiểm tra truy quyét hoạt động KS trái phép được thành lập từ nhiều cơ quan, đơn vị nên tính cơ động chưa cao. Nhận thức của người dân còn eo hẹp, nhiều tổ chức, cá nhân chỉ biết đến kế sinh nhai mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường, đất đai. Các hoạt động khai thác KS trái phép chủ yếu xảy ra ở xa khu dân cư, rừng núi  hoặc dọc theo các tuyến sông nên việc thông tin, đi lại cũng  như phương tiện di chuyển phục vụ công tác kiểm tra, truy quét còn nhiều hạn chế.

Song song với công tác thực thi Luật hoạt động khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã lập nhiều trạm chốt chặn quản lý hoạt động tài nguyên – khoáng sản trên địa bàn
Song song với công tác thực thi Luật hoạt động khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã lập nhiều trạm chốt chặn quản lý hoạt động tài nguyên – khoáng sản trên địa bàn

Ngoài ra, kinh phí để đầu tư cho công tác quản lý, truy quét chốt giữ việc khai thác KS trái phép là rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách huyện mà ngân sách cấp trên hỗ trợ chưa đảm bảo yêu cầu. Trong khi đó, một số địa phương còn thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân khai thác KS trái phép để thu ngân sách gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động KS.

Công tác tổ chức, vận động, tuyên truyền, phổ biến Luật KS và hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển KS cát lòng sông bằng phương tiện ghe thuyền còn gặp nhiều khó khăn do mọi sinh hoạt thường ngày gắn liền trên phương tiện, ít tiếp cận được với phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức và ý thức pháp luật rất hạn chế.

Bên cạnh những khó khăn do đặc thù của địa phương thì các điều khoản của luật vẫn còn chưa sát với thực tiễn nên công tác thực thi luật của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam thì quy định về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động KS rất phức tạp, thời gian kéo dài, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan có liên quan, chưa phù hợp với nhiều loại hình KS, nhất là KS làm vật liệu xây dựng; chưa có mức hỗ trợ, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương nơi có khoáng sản được khai thác để địa phương và doanh nghiệp có cơ sỏ thực hiện.

Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung mức xử phạt đối với hành vi khai thác trái phép vàng, đá quý, bạc, KS độc hại. Mức phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là chưa hợp lý bởi trên lý thuyết, mức phạt này không khả thi đối với các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, sử dụng công cụ thô sơ. Đồng thời bổ sung, sửa đổi quy định, tiêu chuẩn của giám đốc điều hành mỏ đối với các mỏ có quy mô nhỏ.

 Bài & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Hiệu quả từ việc 5 năm thi hành Luật Khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO