Quảng Nam: Giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây sự cố môi trường

29/11/2017 00:00

(TN&MT) - Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sáng ngày 29/11, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành hướng dẫn tạm thời về việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam tổ chức diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân tại TP.Tam Kỳ vào ngày 24/11 vừa qua
Quảng Nam tổ chức diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân tại TP.Tam Kỳ vào ngày 24/11 vừa qua

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các địa phương của tỉnh này tổng hợp báo cáo danh sách các cơ sở có nguy cơ cao gây sự cố môi trường để giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra và quan trắc môi trường theo hướng thường xuyên, nghiêm ngặt hơn đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây sự cố môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có chức năng, đủ năng lực để tổ chức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường cho các doanh nghiệp và các cán bộ quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.  

Đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan của địa phương có trách nhiệm chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường xảy ra.

Trong đó lưu ý các sở, ngành, địa phương cần xác định rõ, cụ thể vai trò và trách nhiệm trong việc ứng phó khẩn cấp, nhằm đảm bảo quá trình ứng phó sự cố môi trường hiệu quả và không bị chồng chéo.

Trong trường hợp cần thiết, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tại hiện trường, phân công cán bộ tham gia và bố trí nguồn lực hoặc báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn lực phù hợp để đảm bảo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và sẵn sàng cho công tác ứng phó sự cố môi trường.

Khi có thông tin liên quan tới sự cố môi trường tại cơ sở thuộc địa bàn quản lý, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với cơ sở kiểm tra thông tin sự cố môi trường, đánh giá nhanh mức độ của sự cố môi trường và nguy cơ đe dọa đối với con người, các công trình, thiết bị và môi trường, xác định mức báo động và thông báo tới cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở, các cấp hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, người có thẩm quyền sẽ quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó phù hợp, thông báo kịp thời cho các thành viên của Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường và UBND cấp huyện, xã.

Các tình huống cần phải được đánh giá liên tục, nhằm kịp thời cập nhật tình hình để đưa ra các phương án ứng phó phù hợp với thực tế. Quá trình ứng phó sự cố môi trường cần được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và phù hợp với từng phương án ứng phó cụ thể.

Trong trường hợp sự cố môi trường vượt quá quy mô của tỉnh, đơn vị, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tỉnh thông báo ngay cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh để huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ ứng phó sự cố môi trường; nếu vượt quá khả năng của tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đề nghị về các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ.

                                                                                        Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây sự cố môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO