Quảng Nam: Đìu hiu nhà trưng bày làng nghề truyền thống

13/04/2015 00:00

(TN&MT) - Thường xuyên đóng cửa, không có sản phẩm trưng bày bên trong, chất lượng công trình dần xuống cấp… là thực trạng đang diễn ra tại nhiều nhà trưng bày của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Những mục tiêu ban đầu xây dựng các nhà trưng bày nhằm gắn kết với  phát triển du lịch, quảng bá giới thiệu rộng rãi sản phẩm của các làng nghề đã không đạt được. Đây là một bài toán khó đối với các địa phương được giao quản lý, khai thác các nhà trưng bày này.

Vắng như “Chùa Bà Đanh”

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn có lịch sử hơn 400 năm và hiện là làng nghề có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với 19 hộ làm nghề, doanh thu hàng năm đạt khoảng 12 tỷ đồng. Tọa lạc ở giữa trung tâm làng là khu nhà trưng bày làng nghề được đầu tư xây dựng khang trang hàng tỷ đồng, với diện tích khoảng 1.000 m2 nhưng thường xuyên ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Dẫn chúng tôi vào bên trong khu nhà này, ông Dương Ngọc Sang, 80 tuổi, Trưởng đại diện làng nghề cho biết, khu nhà trưng bày được xây dựng từ năm 2009 gồm hai phân khu là nhà trưng bày và khu sản xuất tập trung ở phía sau. Thời gian đầu các hộ làm nghề rất háo hức tham gia sản xuất chung và trưng bày sản phẩm tại đây nhưng được một thời gian thấy không có hiệu quả kinh tế bằng việc sản xuất tại nhà nên mọi người bắt đầu rút dần.

Nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều trở thành nơi phơi gỗ
Nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều trở thành nơi phơi gỗ

Hiện tại, toàn bộ phía trong nhà trưng bày bị bỏ hoang chỉ có những tủ kính bám đầy màng nhện, những máy móc ở khu sản xuất phía sau cũng bị tháo dỡ cất đi. Những năm qua thị xã Điện Bàn đã có cơ chế khuyến khích miễn thuế để cho các hộ đúc đồng vào trưng bày sản phẩm nhưng do diện tích bên trong nhà trưng bày quá rộng và không thuận lợi cho việc buôn bán nên không có ai vào tham gia. Trong khi đó, dọc ven tuyến đường chính của xã, các hộ sản xuất vẫn buôn bán tấp nập các sản phẩm ngay tại cửa hàng của gia đình mình.

Cùng chung tình cảnh này là khu nhà trưng bày của làng nghề tranh tre dừa nước ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An được xây dựng năm 2010 với tổng mức đầu tư là 7,8 tỷ đồng. Làng nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh có khoảng hơn 40 cơ sở, hộ sản xuất, thu hút gần 200 lao động tham gia; doanh thu bình quân từ hoạt động sản xuất của làng nghề đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Đại diện lãnh đạo xã Cẩm Thanh cho biết, từ khi khánh thành đến nay chưa có hộ làm nghề nào vào sản xuất cũng như trưng bày sản phẩm tại đây. Theo quan sát của phóng viên, khu sân bãi xung quanh nhà trưng bày được người dân tận dụng phơi lá dừa nhưng phía trong nhà thì hoàn toàn trống rỗng giống như một ngôi nhà hoang. Là người gắn bó với nghề tre dừa 20 năm ở xã Cẩm Thanh, anh Lê Cho cho biết: các hộ làm nghề không muốn vào sản xuất tại khu vực nhà trưng bày vì mỗi gia đình đều có sân bãi riêng, có đủ phương tiện và công nhân để làm. Nếu chuyển lên sản xuất tập trung tại khu vực nhà truyền thống sẽ phát sinh nhiều thứ về công vận chuyển, bảo quản sản phẩm, vật liệu…

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: Trước khi hình thành các khu vực nhà trưng bày làng nghề, người dân đã có thói quen sản xuất và trưng bày sản phẩm ngay tại nhà. Việc vận động các hộ làm nghề tiến hành đồng thời sản xuất ở hai nơi là rất khó khăn, đây là vấn đề mà thành phố Hội An đang phải tìm cách tháo gỡ ở làng nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh và làng nghề mộc Kim Bồng.

Cần cách tiếp cận xây dựng mới    

Thực trạng trên cũng đang xảy ra ở một số làng nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2011-2014, bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi và vốn ngân sách, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ gần 16,4 tỷ đồng cho các địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề trong đó có việc xây dựng các khu nhà trưng bày. Chủ đầu tư xây dựng các khu nhà trưng bày là các huyện, thành phố khi công trình hoàn thành một số nơi đã bàn giao trực tiếp cho chính quyền cấp xã quản lý tuy nhiên thực tế cho thấy việc khai thác và phát huy hiệu quả các khu nhà trưng bày này còn quá nhiều bất cập.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho biết: Hiện nay Tổ chức JICA của Nhật Bản đã đồng ý giúp thị xã chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều thành một điểm dừng chân du lịch trên hành trình thăm quan phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên, điểm dừng chân này sẽ trưng bày các sản phẩm thủ công khác nhau như gốm, gỗ, mây tre…chứ không chỉ riêng sản phẩm đồ đồng của làng nghề Phước Kiều. Đồng thời thị xã cũng sẽ tổ chức đấu thầu để chọn các doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực vào khai thác khu nhà trưng bày này.

Tỉnh Quảng Nam có 89 làng có nghề, với khoảng 7.450 hộ tham gia góp phần giải quyết trên 16.180 lao động nông nhàn tại địa phương. Giá trị sản xuất từ hoạt động làng nghề trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Việc đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên không phải làng nghề nào cũng cần đến các khu nhà trưng bày sản phẩm được xây dựng to lớn rồi lại bỏ không hoặc phải chuyển đổi công năng ban đầu. Chính vì vậy cần phải có một cách tiếp cận mới đối với việc xây dựng các nhà trưng bày trong những đề án khôi phục làng nghề truyền thống hiện nay.

Bài và ảnh: Lan Anh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Đìu hiu nhà trưng bày làng nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO