Quảng Nam: Đã có giải pháp tổng thể chống xói lở bờ biển Cửa Đại

16/03/2017 00:00

(TN&MT) - Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh việc quan trắc, nghiên cứu tổng thể để đến tháng 4/2017 phải có kế hoạch cụ thể và đến tháng 6/2017 sẽ bắt đầu triển khai đồng bộ giải pháp chống xói lở tại khu vực bờ biển Cửa Đại - TP. Hội An.

Kết quả áp dụng thử nghiệm kè mỏ hàn dài  200m ra ngoài biển bãi cát tại địa điểm sạt lở bờ biển Cửa Đại đã bồi ra khoảng gần 40m
Kết quả áp dụng thử nghiệm kè mỏ hàn dài 200m ra ngoài biển bãi cát tại địa điểm sạt lở bờ biển Cửa Đại đã bồi ra khoảng gần 40m

Thực tế, hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại đã xảy ra từ năm 2004, ban đầu từ khu vực cửa sông Thu Bồn dịch chuyển dần lên phía Bắc giáp với bãi biển An Bàng. Một số nơi, bờ biển bị khoét sâu vào đất liền tới 200m, nhiều công trình du lịch, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi xuống biển. Trước tình trạng đó, tỉnh Quảng Nam và chính quyền TP. Hội An đã triển khai ứng cứu khẩn cấp bằng phương án kè mềm của Hà Lan, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế nhằm hạn chế sạt lở, chứ chưa đưa ra được giải pháp căn cơ, tổng thể, nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào mùa mưa bão. Kết quả áp dụng thử nghiệm kè mỏ hàn dài  200m ra ngoài biển với kinh phí 6 tỷ đồng của chính quyền TP. Hội An trong thời gian vừa qua bãi cát tại địa điểm sạt lở đã bồi ra khoảng gần 40m, một số đoạn sạt lở có dấu hiệu bồi đắp lại. Tuy nhiên, hiện tượng xói lở lại có chiều hướng dịch chuyển nhanh về phía Bắc. 

Qua nghiên cứu lượng bùn, cát từ thượng lưu đổ về, sóng và thực tế xói lở bờ biển Cửa Đại (từ năm 2009 đến năm 2017), Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Kim Đan - Trường Đại học Paris-Est đã đưa ra những kết luận: “Chiều cao sóng giảm theo độ dốc bãi; nuôi bãi ngoài tác dụng tăng quỹ bùn cát còn làm thay đổi độ dốc và giảm chiều cao sóng, năng lượng sóng; vị trí các kè chắn sóng có ảnh hưởng tới xói lở bờ biển. Kè chắn sóng đặt ở chân bãi có chiều cao nhất định có tác dụng tốt giảm xói lở”.

Từ những kết luận đó, Nhóm nghiên cứu của Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Kim Đan đề xuất giải pháp là, lấy lượng cát từ việc khơi thông dòng chảy ngoài cửa biển Cửa Đại với khối lượng khoảng 100.000m3 để nuôi bãi, tạo bãi rộng từ 300 đến 400m theo chiều dài bờ biển và chạy ra biển tới 150m với độ dốc khoảng 1/200 tại vị trí hiện đã có hệ thống geotube, đồng thời phải theo dõi thường xuyên về thay đổi của bãi mới nuôi.

Sạt lở ở Cửa Đại đang có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía Bắc giáp bãi biển An Bàng và Hà My
Sạt lở ở Cửa Đại đang có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía Bắc giáp bãi biển An Bàng và Hà My

Ông Kenichim Tachi - Chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA tại Việt Nam đang thực hiện dự án nghiên cứu lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thì cho rằng, khi nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân gây sạt lở bờ biển Cửa Đại cần tính toán toàn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Ông Kenichim Tachi đề nghị: “Cần có sự hợp tác để trong thời gian sớm nhất tính toán được một cách  cụ thể về lượng bùn cát trao đổi trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể".

Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận, dù nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tham gia nhưng phải nhìn nhận đây là vấn đề phức tạp, vì vừa phải bảo vệ bờ biển, vừa phải tạo bãi để phát triển du lịch, đảm bảo cho luồng tàu ra vào khu vực biển Cửa Đại.  “Vì vậy, chúng tôi đề nghị nhóm nghiên cứu cần đẩy nhanh kết quả quan trắc, nghiên cứu và đưa ra kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc nuôi bãi, bảo vệ bờ biển Cửa Đại”- ông Thắng nói.

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế triển khai quan trắc, tính toán, đến thời điểm này đã cơ bản đưa ra được giải pháp tổng thể và tháng 6/2017 sẽ bắt đầu triển khai đồng bộ chống xói lở tại khu vực bờ biển Cửa Đại - Hội An.

                                                                                  Dương Bùi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Đã có giải pháp tổng thể chống xói lở bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO