Tại cuộc họp, nhiều người dân địa phương tỏ ra băn khoăn về lò đốt rác này khi đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, khí thải,…
Do đó, người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét, di dời lò đốt rác Đại Nghĩa vào sâu bên trong thêm chừng 300m nữa so với vị trí hiện tại.
Trao đổi với người dân, ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, dự án lò đốt rác Đại Nghĩa đã được tỉnh Quảng Nam quy hoạch từ năm 2011.
Vị trí lò đốt rác Đại Nghĩa được xem xét, lựa chọn kỹ càng đảm bảo đúng theo quy hoạch và các quy định hiện hành. Do đó, ông Mai kêu gọi người dân ủng hộ để dự án được triển khai đúng tiến độ, sớm đưa lò đốt rác vào hoạt động để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi về lò đốt rác Đại Nghĩa, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh rằng người dân địa phương cần tạo điều kiện để dự án lò đốt rác Đại Nghĩa được triển khai thuận lợi.
Công nghệ sử dụng tại lò đốt rác thải Đại Nghĩa là công nghệ tiên tiến hiện nay, tuyệt đối không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm do mặt bằng của lò đốt rác đều được đổ bê tông kiên cố.
Thêm nữa, vị trí đặt lò đốt rác nằm ở khu vực trên núi xa và ống khói của lò đốt rất cao nên không bị ảnh hưởng khí lẫn mùi hôi do lò đốt rác gây ra.
Được biết, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa là 1 trong 3 khu xử lý rác thải tập trung trọng tâm của tỉnh Quảng Nam, có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề rác thải đô thị, vệ sinh môi trường cho các huyện phía Bắc của tỉnh sau khi khu xử lý rác thải chôn lấp tại xã Đại Hiệp đóng cửa.
Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha là đường giao thông vào khu xử lý, 3ha là khu nhà máy xử lý rác thải. Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa có tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng, thời gian thực hiện 50 năm.
Lò đốt rác này sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 có công suất tối đa 240 tấn/ngày, giai đoạn đầu khoảng 150 tấn/ngày. Đây là một trong những công nghệ đốt tiên tiến và phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định tại Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 25/9/2018.