(TN&MT) - Là doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thương mại, năm 2003, sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Thương mại & DV Thăng Bình (Cty Thăng Bình) đóng tại thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam thực hiện nhiều chính sách nhà nước, góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi thực hiện việc di dời cửa hàng xăng dầu (CHXD) theo chủ trương huyện Thăng Bình gây nhiều tổn thất trong hoạt động SXKD của Công ty. Mong muốn của Công ty là được thuê lại đất nhà nước để làm Trung tâm thương mại nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết.Cty Thăng Bình đang hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng Khu Thương mại Hà Lam Plaza thì bất ngờ nhận được QĐ thu hồi đất số 4184/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký. Trong đơn khiếu nại về QĐ thu hồi đất trên, ông Lê Như Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Thăng Bình cho rằng “chưa khách quan, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không phù hợp với mục đích kiến tạo của Chính phủ”.
Theo trình bày của Cty Thăng Bình, CHXD tại ngã tư thị trấn Hà Lam của công ty được xây dựng năm 1990, khoảng năm 2005, Kho bạc Nhà nước huyện Thăng Bình xây dựng trên khu đất liền kề, nên CHXD bị cơ quan chức năng buộc phải di dời, đến ngày 15/11/2006, giao cho huyện Thăng Bình quản lý.
Được cấp phép xây dựng và di dời CHXD đến địa điểm được quy hoạch, cửa hàng đã đưa vào hoạt động từ năm 2008, đến năm 2011 công ty xin gia hạn thuê đất thì UBND huyện Thăng Bình yêu cầu phải di dời vì không phù hợp quy hoạch và ảnh hưởng giao thông (tại sao thời điểm 2008, CHXD nằm trong khu vực được quy hoạch nhưng đến 2011 lại không phù hợp quy hoạch?).
Tại văn bản số 493/UBND-VP ngày 15/11/2006 của UBND huyện Thăng Bình do Chủ tịch huyện Phan Thăng An ký, nêu rõ: “Thống nhất theo đề nghị quy hoạch mạng lưới kinh doanh của Công ty CP TM&DV Thăng Bình đã nêu tại tờ trình số 54/TT-Cty ngày 15/11/2006, cụ thể như sau: Mặt bằng khu phía Bắc: quy hoạch kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn (đính kèm theo sơ đồ quy hoạch của quy trình trình)”. Sau đó, cửa hàng phải tách thửa để cho Cty Thăng Bình thuê và duy trì kinh doanh xăng dầu đến ngày 31/12/2014 theo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nay là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) tại văn bản số 3578/UBND-KTN ngày 30/10/2011.
Tại văn bản số 3578/UBND-KTN, UBND tỉnh Quảng Nam còn nêu: “Hết thời hạn thuê đất kinh doanh CHXD, nếu Cty Thăng Bình chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật và có nhu cầu tiếp tục thuê đất, sử dụng đất đúng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì ưu tiên cho Cty Thăng Bình tiếp tục thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành”.
Công ty di dời CHXD qua điểm khác, phải mua tài sản và quyền thuê đất của Công ty CP Sành sứ và Xây dựng Thăng Bình để kinh doanh. Do địa điểm trước khi di dời tại ngã tư trung tâm bậc nhất thị trấn và đường quốc lA nên việc kinh doanh hết sức thuận lợi, nhưng khi chuyển về địa điểm mới thì chỉ là đường huyện lộ về một số xã vùng biển nên việc kinh doanh xăng dầu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng chấp hành chủ trương nhà nước để sau này được ưu tiên thuê lại. Đến thời điểm 2011, công ty hết thời hạn thuê đất theo Luật đất đai cũ, công ty lập hồ sơ xin gia hạn thuê đất để tiếp tục kinh doanh thì UBND huyện Thăng Bình cho rằng không còn phù hợp với quy hoạch theo QĐ 1399/QĐ-UBND ngày 5/5/2011. Đúng trước thời điểm hạn 31/12/2014, công ty nghiêm chỉnh chấp hành di dời CHXD đến vị trí mới và đưa vào hoat động ổn định đời sống người lao động và phục vụ an sinh xã hội và công ty đã lập hồ sơ trình UBND huyện xin gia hạn cho thuê lại đất để tiếp tục xây dưng khu thương mại phù hợp quy hoạch. Năm lần bảy lượt điều chỉnh mà công ty đã trải qua không biết bao nhiêu là áp lực từ chính quyền và tiếp tục kéo dài cho đến cuộc họp do Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư cùng các ngành của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng, rồi đột ngột công ty nhận quyết định thu hồi một cách bất thường, trong lúc tài sản trên đất thuê dài hạn của nhà nước vẫn còn đó để làm trung tâm thương mại trên diện tích 748,7m2 đất CHXD sau khi di dời.
Qua nhiều cuộc họp có sự tham gia và hỗ trợ của các cơ quan chức năng của huyện, công ty đã trình quy mô dự án và tại Báo cáo số 149/BC UBND ngày 2/8/2016 của UBND huyện Thăng Bình nêu rõ: “Hiện nay, Công ty CP TM&DV Thăng Bình lập hồ sơ dự án xin đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu thương mại Hà Lam Plaza tại địa điểm nêu trên với tổng mức đầu tư 5.288.593.000. Với mục tiêu của dự án là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Thăng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030… Với các thủ tục ban đầu, dự án phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư mới được thực hiện thủ tục tiếp theo”.
Thế nhưng, tại cuộc họp do Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp chủ trì ngày 3/11/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tại khu vực đó phải xây dựng tối thiểu 4 tầng dự án, và đưa lý do công ty “chỉ có 2 tầng” nên chưa cho thuê được. Bởi vậy, cuộc họp đã kết thúc và chờ ý kiến chính thức của UBND huyện Thăng Bình trong thời gian 1 tháng.
“Với nhiều lý do và điều kiện luôn thay đổi từ các cơ quan chính quyền, công ty rất lúng túng và bị động, nhưng với mong muốn được thuê đất để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, công ty cam kết bổ sung vào dự án thiết kế 4 tầng cho phù hợp với quy hoạch của huyện, nhưng từ đó đến nay công ty chúng tôi không nhận được sự chỉ đạo nào từ các cơ quan chức năng về việc thực hiện dự án”- ông Hòa cho biết.
Thật bất ngờ ngày 29/11/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ra QĐ v/v thu hồi 748,7m2 và QĐ này trái ngược lại với chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 3578/UBND-TKN ngày 30/10/2011 là ưu tiên cho doanh nghiệp được tiếp tục thuê đất.
Ngày 5/1/2017, PV đã đến UBND huyện Thăng Bình để làm việc nhưng lãnh đạo bận họp. Tại đây, PV nhận được tờ trình do ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký trình lên UBND tỉnh Quảng Nam với lý do “đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn”, và tờ trình này trái ngược lại với công văn số 233/UBND-VP ngày 19/5/2011 của UBND huyện Thăng Bình do ông Phan Công Vỹ- Phó Chủ tịch nay là Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình nêu rõ: “Sau khi hết thời gian gia hạn thuê đất nói trên, nếu Công ty có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của huyện (không có kinh doanh xăng dầu), thì UBND huyện sẽ xem xét đề nghị UBND tỉnh giải quyết cho Công ty tiếp tục gia hạn thời gian thuê đất được lâu dài hơn”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vân - nguyên Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, Cty Thăng Bình từ một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thương mại, sau cổ phần hóa, là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương. Sau khi Cty Thăng Bình di dời CHXD ở ngã tư thị trấn Hà Lam, nếu chính quyền địa phương lấy lại làm công trình của nhà nước thì không nói, chứ nếu làm trung tâm thương mại thì nên ưu tiên cho Cty Thăng Bình ở vị trí số 1. Cái đó vừa hợp tình, hợp lý, lại đúng quy định khi doanh nghiệp này đã hoạt động trên khu đất thuê nhà nước nhiều năm liền.
Thiết nghĩ, với phương châm thực hiện Chính phủ, địa phương kiến tạo luôn đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình cần xem xét nguyện vọng của Công ty Thăng Bình, có hướng giải quyết hợp lòng doanh nghiệp và thu hút môi trường đầu tư.