Quảng Nam: Cải thiện công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học

07/01/2017 00:00

(TN&MT) - Ngay từ đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi động dự án “Giám sát đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng tại Quảng Nam” nhằm phân tích thực trạng và chiều hướng thay đổi của các hệ sinh thái rừng Quảng Nam trong thời gian tới.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học
Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học

Nhiều năm nay, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn giúp người dân và chính quyền địa phương có rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm ở các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh này. Trong đó, dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát, buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” và triển khai “Tuần lễ bảo tồn voi” tại huyện Nông Sơn đã có những tác động lớn tới nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã.

Thông qua các nguồn lực tài trợ, chất lượng rừng nguyên sinh ở Quảng Nam trong những năm qua được khôi phục đáng kể. Người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã cải thiện thêm thu nhập thông qua mô hình trồng cây dưới tán rừng tự nhiên. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, từ nguồn viện trợ của dự án dự trữ cac-bon và bảo tồn đa dạng sinh học (carbi), đến nay tại các xã Ba, xã Tư (huyện Đông Giang) đã có hàng trăm hộ trồng gần 500ha cây mây; 73 hộ của xã A Nông, Bha Lêê, A Vương (huyện Tây Giang) trồng 7,3ha cây ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên. Cùng với đó, hơn 35ha giống cây bản địa đã được trồng nhân rộng và đang phát triển tốt.

Ngoài ra, WWF đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam áp dụng nhiều chương trình phục hồi rừng, như: quản lý rừng dựa vào cộng đồng; trồng mới phục hồi rừng bằng cây bản địa. Các chuyên gia của WWF cũng đã tiến hành nghiên cứu, phân tích ADN về sự hiện diện gen các loài động vật có trong máu của con vắt, cũng như nghiên cứu về tập quán sinh sống các loài động vật trong tự nhiên. Những hệ thống này đã giúp phát hiện thêm nhiều loài động vật quý hiếm ở rừng Trường Sơn như: thỏ vằn, mang Trường Sơn, gấu ngựa, vượn...để đưa vào danh sách cần được bảo vệ.

Ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Những dự án tài trợ quốc tế gần đây đối với tỉnh Quảng Nam đã giúp cho ngành kiểm lâm tỉnh quản trị rừng một cách bền vững và chất lượng hơn. Riêng năm 2016, đã có 10 thôn thuộc 5 xã đã thực hiện thí điểm thiết lập các mô hình quản lý rừng cộng đồng với gần 4.000ha rừng tự nhiên được bảo vệ có tổ chức và cắm mốc ranh giới. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP. Hội An) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn đa dang sinh học nước Việt xanh (GreenViet) về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. 

Giai đoạn 2016 - 2020, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã công bố dự án "Trường Sơn Xanh" và hỗ trợ 24 triệu USD giúp tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đổi sang phát triển thích ứng thông minh với khí hậu và phát thải thấp thông qua cải thiện công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học.

                                                                            Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Cải thiện công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO