Quảng Nam: Bảo vệ rừng để bảo tồn di sản

13/06/2016 00:00

Được giao quản lý 1.158ha rừng bao bọc xung quanh khu di sản và các vùng lân cận, những năm qua Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng, góp phần tạo lập môi trường sinh thái và cảnh quan trong lành cho di sản.

Bảo vệ nghiêm ngặt

Trong số 1.158ha rừng tự nhiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định để Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn khoanh vùng bảo vệ, diện tích chủ yếu thuộc địa bàn các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn và một phần giáp ranh với  xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Để quản lý diện tích rừng lớn này, ngay từ khi mới thành lập, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn đã xác định việc bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh việc thành lập đội an ninh và bảo vệ rừng với số thành viên chuyên trách không ngừng được hoàn thiện (đến năm 2014 tổng số thành viên đã lên đến 30 người có kiến thức chuyên môn về rừng), đơn vị cũng đã đầu tư mua sắm trang thiết bị công cụ chữa cháy rừng chuyên dụng như vỉ dập lửa, bình chữa cháy, can nhựa, máy thổi gió, đồ bảo hộ…, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Du khách đến tham quan Mỹ Sơn có cơ hội khám quá môi trường sinh thái xung quanh
Du khách đến tham quan Mỹ Sơn có cơ hội khám quá môi trường sinh thái xung quanh

Theo ông Nguyễn Công Khiết - Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, vấn đề quan tâm của đơn vị trong quản lý rừng hiện nay là tình trạng người dân lén lút vào rừng săn bắt động vật, đốt than dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường lực lượng đến các điểm nóng có nguy cơ cháy rừng để chốt chặn, ngăn ngừa. Lực lượng này còn thực hiện việc truy quét, phá dỡ các bẫy thú đặt trái phép trong rừng, phát hiện các dấu hiệu chăn thả trâu bò để tổ chức đẩy đuổi ra khỏi phạm vi. Ngoài ra, đơn vị luôn bố trí thường xuyên 2 nhân viên chốt canh tại điểm cao đỉnh núi Mỏ Cày nhằm quan sát toàn bộ diện tích rừng, nhanh chóng báo động khi phát hiện cháy rừng. Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức phát tuyến hàng chục ki lô mét đường băng xanh ngăn chặn cháy lan và giúp cho công tác ứng cứu khi có cháy rừng được cơ động hơn; lập phương án tác chiến tại chỗ, hợp đồng phối hợp với các đơn vị xã Duy Phú, Hạt Kiểm lâm huyện Duy Xuyên tăng cường  tuần tra truy quét rừng... “Chúng tôi xác định công tác bảo vệ rừng cũng quan trọng như bảo tồn các đền tháp Mỹ Sơn nên vào thời điểm nắng nóng này, ban quản lý luôn cắt cử người bám sát địa bàn, trực báo cháy trong ngày. Cùng với đó, việc tuyên truyền nhắc nhở đến du khách và người dân địa phương thực hiện tốt các quy định về phòng chống cháy rừng cũng luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều năm qua hầu như chưa có vụ cháy rừng đáng kể nào xảy ra trên diện tích rừng xung quanh khu vực Mỹ Sơn” - ông Khiết cho biết.

Phục hồi cảnh quan môi trường

Theo ông Nguyễn Duy - Đội trưởng Đội an ninh trật tự và bảo vệ rừng (Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn), dù chưa có thống kê chính thức về sự phục hồi của hệ động thực vật xung quanh khu di sản nhưng có thể khẳng định, kết quả công tác bảo vệ rừng thời gian qua là rất lớn, ước đoán diện tích che phủ rừng đạt trên 70% so với trước đây, trong đó số cây lớn có tán rộng chiếm 40 - 50%; tình trạng người dân vào rừng chặt cây đốt than đã không còn xảy ra. Đặc biệt, các loại cây thuộc nhóm danh mộc có nguy cơ bị tuyệt chủng như chua, trao, kơnia, giẻ đỏ… nay đã được bảo vệ và phát triển tốt. Thậm chí, nhiều cá thể thân cây có đường kính vài người ôm xuất hiện khá nhiều tại các khu vực Hòn Đền - Nà Thắng. Cùng với đó, các loại động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, mang, khỉ, các loài chim cũng đã quay về cư trú, sinh sôi phát triển mạnh.

Nhiều cây cổ thụ đường kính vài người ôm đã được bảo vệ tốt tại khu rừng đặc dụng xung quanh di sản Mỹ Sơn.
Nhiều cây cổ thụ đường kính vài người ôm đã được bảo vệ tốt tại khu rừng đặc dụng xung quanh di sản Mỹ Sơn.

Song song với việc bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng, bảo tồn các nguồn gen quý cũng được chú trọng như tổ chức trồng các loài cây bản địa thuộc nhóm danh mộc như lim xanh, gõ đỏ, cẩm lai, lát hoa, dầu rái… nhằm phát triển rừng theo tiêu chí rừng đặc dụng và tạo cảnh quan di tích lịch sử đã được triển khai mạnh mẽ. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, hơn 10 nghìn cây gỗ quý đã được trồng bổ sung trên diện tích hàng trăm héc ta, dự kiến thời gian tới, mỗi năm sẽ có thêm 5.000 cây khác được trồng dặm thêm, bắt đầu từ vùng lõi mở rộng ra các khu vực xung quanh, nhất là tại những vùng rừng dù có cây che phủ nhưng chưa có cây danh mộc.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, thành công của Mỹ Sơn kể từ khi được công nhận di sản văn hóa thế giới không chỉ ở công tác bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch mà còn thể hiện rõ nét ở việc phục hồi cảnh quan sinh thái tại vùng lõi di sản và những vùng lân cận. Thực tế, ngày nay du khách đến tham quan Mỹ Sơn bên cạnh tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa lịch sử còn có cơ hội khám quá môi trường sinh thái xung quanh, nhất là khu vực Hòn Đền núi Chúa. “Rừng và cảnh quan Mỹ Sơn là một phần quan trọng không thể tách rời trong giá trị lịch sử văn hóa của khu di sản. Vì vậy, việc bảo tồn rừng đặc dụng Mỹ Sơn - Hòn Đền cũng có nghĩa bảo tồn cho sự tồn tại của chính khu di tích, và điều này đã được Ban quản lý Mỹ Sơn làm khá tốt để mang đến cho khách những cảm nhận toàn diện và sâu sắc về khu di sản văn hóa thế giới này” - ông Hài nhìn nhận.

Theo Báo Quảng Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Bảo vệ rừng để bảo tồn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO