Quảng Nam: Báo động ô nhiễm môi trường từ các KCN

11/12/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng trăm doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với quy mô lớn, tuy nhiên hầu hết các KCN, CCN này vẫn chưa hoàn thiện xong việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung dẫn đến việc nước thải không được xử lý theo quy trình đổ thẳng ra môi trường bên ngoài.  

Các Nhà máy trong KCN Bắc Chu Lai xả thải trực tiếp theo đường mương ra biển
Các Nhà máy trong KCN Bắc Chu Lai xả thải trực tiếp theo đường mương ra biển

Nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt ngưỡng cho phép

Kết quả khảo sát của Tổng Cục Môi trường cho biết: Tại KCN Tam Hiệp, hàm lượng các chất thải rắn lơ lửng thường vượt chỉ tiêu 1-3 lần. Môi trường không khí đã có dấu hiệu ô nhiễm, đặc biệt, thông số bụi lơ lửng đã vượt tiêu chuẩn cho phép 1,2 lần. Gần đây nhất, hàng trăm người dân xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) đã bao vây, chở đất đá đổ lấp miệng cống xả thải duy nhất của khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai vì họ cho rằng nước thải ở đây không qua xử lý đổ trực tiếp ra mương Cầu, gây ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, cá chết trắng mương… Nguy hiểm nhất là nước thải của Nhà máy chế biến cao su và nhựa plastic theo mương thoát nước mưa của KCN Bắc Chu Lai ra mương Cầu có mang theo chất carbon đen ảnh hưởng môi trường. Công ty CP gạch men Anh em - Dic còn bị phát hiện đã đào một miệng cống khác thông với hệ thống thoát nước mưa của KCN đổ trực tiếp ra mương Cầu gây ô nhiễm. Trước đó, người dân đã từng bao vây Nhà máy lâm đặc sản Tam Kỳ, Nhà máy tinh bột sắn Quảng Nam… cũng vì lý do gây ô nhiễm môi trường nhưng không chịu khắc phục, đền bù cho người dân….

Đáng lo ngại hơn là tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Đây là KCN đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, gia công gỗ xuất khẩu, cơ khí, may mặc, da giày… cho nên công tác quản lý về môi trường đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Hiện, các nguồn gây ô nhiễm tại đây, chủ yếu là khói bụi, mùn cưa từ các nhà máy  chế biến lâm sản, đất và phụ liệu của các nhà máy vật liệu xây dựng, nước thải từ nhà máy chế biến thuỷ hải sản, nhà máy sản xuất giấy… đang tăng nhanh.

Trong khi đó, công tác quản lý và giám sát, kiểm tra về xử lý môi trường của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam còn lỏng lẻo, chưa duy trì thường xuyên nên các doanh nghiệp vận hành xử lý hệ thống nước thải từ nhà máy ra cống thoát nước thường đối phó. Nhiều DN ngại tốn chi phí vận hành hệ thống xử lý, nên đã lén lút đổ thẳng nước thải ra hệ thống cống. Ngay cả các KCN lớn vẫn chưa hoàn thiện xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, thì nói gì đến các CCN nhỏ. Hầu hết các CCN vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống  xử lý tập trung, nên nước thải  thường đổ thẳng ra các ao hồ, khu vực xung quanh, các cánh đồng lúa nông dân đang canh tác. Các làng nghề truyền thống cũng vậy. Riêng kết quả đo đạc về các chất thải tại khu vực các làng ươm tơ dệt vải ở huyện Duy Xuyên, các chỉ tiêu môi trường đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Hay ở làng nghề dệt vải Duy Trinh, các chỉ số môi trường đã vượt quá tiêu chuẩn, hàm lượng BOD5, COD, Coliform vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần.

Người dân bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường
Người dân bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường

Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm 

Trước thực tế, nhiều DN đi vào hoạt động sản xuất mới bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Một số KCN, CCN trên địa bàn xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn thiếu đồng bộ… Ô nhiễm nguồn nước đang được coi là vấn đề cấp bách và được quan tâm nhất hiện nay. Nước thải được xử lý từ các KCN, CCN chỉ chiếm 15-30% tổng lượng nước thải ra. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn còn ít hơn nhiều. Trong khi đó, nguồn nước thải, chất rắn nguy hại từ sản xuất công nghiệp chứa các chất kim loại nặng độc hại như: Cd, As, Cr, Zn… và các chất hữu cơ khác khó phân hủy đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất và môi trường nước. Đặc biệt, người dân vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt trực tiếp từ nước sông, giếng khoan. Đây cũng là nguyên nhân gây hại đến sức khỏe con người, dẫn đến các bệnh đường ruột, bộ phận tiêu hóa, gan…

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã cảnh cáo, xử phạt nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng xả thải chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Nhiều nhà máy đã liên tục bị người dân bao vây “cấm cửa” sản xuất, bị UBND tỉnh ra quyết định phạt nhưng vẫn chậm khắc phục. Thời gian vừa qua, Nhà máy tinh bột sắn của Công ty CP Fococev Quảng Nam (xã Quế Cường, Quế Sơn) bị UBND tỉnh xử phạt 140 triệu đồng; Công ty TNHH Đồi Xanh (huyện Duy Xuyên) bị xử phạt 85,6 triệu đồng; cơ sở sản xuất gạch Phú Phong (phường An Phú, TP. Tam Kỳ)…

Báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường mới đây cũng báo động, nước sông Vu Gia vẫn còn ô nhiễm chất rắn lơ lửng. Phần lớn nguồn nước ngầm ở các vùng đồng bằng ven biển bị ô nhiễm amoni, chất hữu cơ và vi sinh coliform. Còn báo cáo giám sát môi trường gần đây của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh chỉ có 5 KCN và 3 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, số còn lại chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. DN gây ô nhiễm môi trường tràn lan, một số có biểu hiện né tránh, lách luật, nhưng ngành chức năng lại lúng túng, xử lý thiếu triệt để.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng cố tình không vận hành mà xả thẳng ra môi trường để tránh chi phí
Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng cố tình không vận hành mà xả thẳng ra môi trường để tránh chi phí

Các KCN, CCN, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không thể phát triển được nếu môi trường ngày càng xấu đi, nên trước hết  tỉnh Quảng Nam cần phải ưu tiên hàng đầu cho việc đầu tư xây dựng hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN. Chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường theo luật định. Đồng thời, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần phối hợp đồng bộ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành luật bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các các hành vi vi phạm, buộc khắc phục kịp thời hậu quả gây ra.

                                                                                Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Báo động ô nhiễm môi trường từ các KCN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO