Quảng Bình: Sơ suất khi giao đất, cấp sổ đỏ, người dân lâm vào nguy cơ bị phá dỡ nhà

12/12/2017 00:00

(TN&MT) - Sau khi được Nông trường Quốc doanh Lệ Ninh cấp đất năm 1994, và xây cất nhà diễn ra từ thời điểm đó. Bởi sai lệch trong quá trình đo đạc thực địa để cấp sổ đỏ vào năm 2007. Gia đình bà Đinh Thị Mai, ông Võ Quốc Trị (cùng SN 1956) hiện cư trú tại TDP 3A, Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) rơi vào cảnh bí bách. Nguy cơ bị phá dỡ nhà là điều trước mắt.

Mất đất, mất nhà

Chúng tôi vừa nhận được phản ánh của bà Đinh Thị Mai kêu cứu về việc chính quyền làm sai khiến đất của gia đình bà bị mất một cách vô lý. Vào cuộc tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, số liệu diện tích mảnh đất này trong sổ đỏ so với diện tích đất thực tế hoàn toàn không đồng nhất.

Theo trình bày của bà Đinh Thị Mai, thửa đất mà gia đình bà đang ở được Công ty Lệ Ninh cấp vào năm 1994. Nhằm tạo điều kiện cho anh chị em công nhân có chỗ ở. Cán bộ giao đất chia đâu thì cá nhân được hưởng nhận từng ấy chứ không đo đạc cụ thể diện tích được giao ngay từ đầu. Mốc giới thì phân định bằng cảm quan bởi các sự vật như cây rừng, thác suối, mô đá…

Bà Đinh Thị Mai, ông Võ Quốc Trị đang chia sẽ câu chuyện bị tranh chấp, cũng như các chứng cứ với phóng viên
Bà Đinh Thị Mai, ông Võ Quốc Trị đang chia sẽ câu chuyện bị tranh chấp, cũng như các chứng cứ với phóng viên

Sau khi nhận đất, vợ chồng bà Mai đã tiến hành cất một ngôi nhà chừng 40m2 trên diện tích đất ấy, không xảy ra sự tranh chấp nào.

Bẵng đi đến năm 2006, gia đình bà Mai có xảy ra tranh chấp về diện tích đất nói trên với gia đình hàng xóm là bà Nguyễn Thị Thịnh. Chính quyền thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã cho đối thoại, hòa giải: Theo đó thì hai bên chấp nhận mốc giới hiện tại, công trình nhà ở của gia đình bà Mai vẫn nằm trong diện tích đất của gia đình bà chứ không phải nằm trên phần đất bà Thịnh. Hai gia đình cũng đồng ý để chính quyền địa phương tiến hành đo đạc, đi đến cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, thời điểm cán bộ địa chính tiến hành đo đạc thực địa để lấy số liệu, phục vụ công tác cấp sổ đỏ đã không có mặt thành viên nào trong gia đình bà Mai. Khi biết được, thì gia đình bà đã hỏi các thành viên tổ đo đạc nhưng được trả lời một cách khó hiểu.

Năm 2014, sau khi nhận sổ đỏ, thì gia đình bà Mai đã bị bà Thịnh kiện vì lấn chiếm đất và yêu cầu trả lại diện tích đất đã lấn chiếm theo như trong sổ đỏ của hai gia đình. Lúc này gia chủ mới ngã ngữa, vì phát hiện ngôi nhà của mình nằm ngoài diện tích được giao.

Nỗi oan lấn chiếm

Cùng một thời điểm đo đạc thực địa, nộp các thuế phí đầy đủ. Năm 2007, gia đình bà Thịnh đã được nhận sổ đỏ còn gia đình bà Mai thì đến tận năm 2014.

“Diện tích đất này được cấp từ năm 1994, địa thế vùng này trước là đồi đất cao ven khe thuộc Nông trường. Sau làm nhà, sinh con đẻ cái chúng tôi quần quật cải tạo diện tích đất này. Trồng tre trúc để chống xói lở; thuê xe, thuê máy để san gạt lại cho bằng phẳng vì đây là đất đồi lắm sỏi đá. Tưởng rằng nhà cửa làm lên thì lúc già cả được ổn định. Ai ngờ không lấn chiếm, chỉ xây cất nhà trước khi làm sổ đỏ thế mà sau khi địa chính đo đạc lại cấp sổ với số liệu sai lệch so với thực tế. Dẫn đến tình cảnh gia đình bà Thịnh khi đo đất nhà bà thì ngôi nhà của tôi nằm trọn trong diện tích đất nhà bà. Bây giờ bỗng dưng mất nhà, mang danh lấn chiếm.” - Ông Võ Quốc Trị nói trong bức xúc.

Ngôi nhà chừng 40m2, có nguy cơ bị phá dỡ để trả đất
Ngôi nhà chừng 40m2, có nguy cơ bị phá dỡ để trả đất

Trong GCN QSD đất mà UBND huyện Lệ Thủy cấp cho gia đình bà Mai có diện tích 685m2, thì phần nhà ở của gia đình bà có đến 2 phần 3 nằm ngoài diện tích cấp phép và phần này nằm trên phần đất của bà Thịnh. Thời điểm đo đất thì không có sự tham gia của gia đình bà Mai. Các biến động liên quan đến nhà đất, tranh chấp cũng không được cán bộ chuyên môn thông báo.

Qua tìm hiểu thì được biết một thực tế chung, thời điểm năm 1994 công nhân Công ty Lệ Ninh được cấp đất nhưng không có quy định diện tích bao nhiêu m2. Ai may mắn thì được chỗ đất địa thế đẹp, ai kém may mắn hơn thì trúng phần gò đồi, đá lèn hay ngay cạnh khe vực. Sau này khi có chính sách cấp GCN QSD đất mới dùng máy móc đo lại trên thực tế để làm mốc, lập bản đồ địa chính. Dẫn tới diện tích đất thực tế vênh so với lượng đất mà nhân dân ước tính ban đầu.

Điều mà gia đình băn khoăn và nghi ngờ: “Không hiểu các cán bộ địa chính họ đo đạc kiểu gì, hay ai chỉ vẽ mà họ đo lệch nhiều như thế. Áp dụng “công thức” sổ đỏ thì chúng tôi sai, căn nhà chúng tôi xây cất trên đất của người khác. Và khi khởi kiện thì tôi phải đập nhà để trả đất, hoặc bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ.”

Số liệu thửa đất của gia đình bà Mai trong sổ đỏ
Số liệu thửa đất của gia đình bà Mai trong sổ đỏ

Giá trị đất ở đây không cao như các khu vực khác của huyện Lệ Thủy. Nhưng khổ tâm của gia đình ông bà là vì sao lại xảy ra cớ sự như vậy. Khi mới cất nhà trên diện tích đất được cấp thì không có tranh chấp. 20 năm sau thì nảy ra mâu thuẫn. 

Qua báo chí, gia đình ông mong muốn chính quyền địa phương truy xét lại nguồn gốc đất mà gia đình ông đang sử dụng cũng như xem xét lại khâu đo đạc trước đây. Đưa ra kết luận công tâm cũng như công khai xin lỗi nếu chính quyền có sai sót.

Trước đó, chúng tôi đã từng trao đổi vấn đề này với ông Phạm Minh Điền, Chủ tịch UBND Thị trấn Nông trường Lệ Ninh:  Được xác nhận rằng , mảnh đất mà gia đình bà Mai đang sử dụng và căn nhà họ xây dựng trước khi có chủ trương làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong thời gia tới chính quyền địa phương cũng sẽ xem xét các phương án để giải quyết việc tranh chấp đất giữa hai bên.

Thế nhưng, câu chuyện hiện nay lại dễ chuyển sang hướng khác. Bởi lẽ trước bức xúc, bất bình quá lớn. Gia đình bà Mai hiện đang mong chính quyền phá dỡ để được giải oan.

Nhất Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Sơ suất khi giao đất, cấp sổ đỏ, người dân lâm vào nguy cơ bị phá dỡ nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO