Chợ Cảnh Dương nằm sát cửa sông Ròon, hàng ngày rác thải tại chợ không được thu gom xử lý đúng quy định đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cho người dân nơi hết sức bức xúc.
Người dân xung quanh khu vực chợ cho biết, về mùa mưa nước lên thì rác thải bị cuốn ra biển, nhưng những hôm trời nắng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên bay vào tận khu dân cư. Chính điều này đã khiến cho dòng nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường xung quanh. Sự việc này người dân cũng đã có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.
“Tôi đã buôn bán tại đây nhiều năm nay rồi, mỗi lần đi ra chợ bán hàng thì phải nộp 10.000 đồng cho Ban quản lý chợ nhưng không hiểu sao rác thải họ không thu gom mà lại đổ ra bờ kè gây ô nhiễm lắm các chú ạ. Trong khi đó tôi bán đồ hải sản lại nằm sát bờ kè hàng ngày vẫn ngồi đây bán mùi hôi thối nồng nặc nhưng cũng phải chịu vì không biết ngồi ở đâu mà bán nữa”, bà B một tiểu thương bán đồ hải sản bức xúc.
Có mặt tại chợ Cảnh Dương chúng tôi chứng kiến cảnh rác thải chất thành đống lớn, kéo dài cả trăm mét theo bờ kè. Từ túi nilon, bao bì, chai lọ, vỏ các loại hải sản và ngay cả xác chết động vật bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Tại những bãi rác thải này nước có màu đen ngòm chảy xuống Cửa sông Ròon.
Một số tiểu thương buôn bán tại chợ cho biết mỗi lần buôn bán là họ đều phải nộp phí 10.000 đồng nhưng rác thải không được thu góm mà đổ ngay bờ kè cửa sông Ròon ùn ứ gây nên tình trạng ô nhiễm.
Trao đổi với PV, ông Cao Quý Hà- Phó chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, lý giải việc rác thải đổ ra tại bờ kè cửa sông Ròon gây ô nhiễm là do ý thức người dân và một số tiểu thương buôn bán tại chợ.
“Cái này làm liên tục, tuyền truyền liên tục nhưng do ý thức của người dân. Tháng nào địa phương cũng thức hiện dọn vệ sinh dọc bờ biển nhưng do dân cứ đổ lén, đêm là họ lại ra đổ với lại những người dân đi mua bán cũng vứt xuống đó, sáng nay anh vừa bắt một xe đổ lén không đúng quy định, chứ xe môi trường vẫn làm thường xuyên. Xã có hợp đồng thuê xe đổ hàng tháng, 3 ngày một chuyến tại chợ, xe chở rác đến đổ tại bãi rác của huyện, còn hàng tháng mình vẫn vệ sinh dọc bờ sông, bãi biển. Thu gom rác thải mỗi tiểu thương 2.000 đồng, còn 10.000 đồng Ban quản lý chợ thu gồm nhiều phí như an ninh trật tự cũng có, nhiều phí cộng lại chứ không chỉ thu tiền rác”, ông Cao Quý Hà cho biết.
Theo phản ánh của người dân tình trạng rác thải đổ ra cửa sông Ròon diễn ra nhiều năm nay khiến cho môi trường tại khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng. Thực tế hiện nay hàng tấn rác thải vẫn chưa được thu gơm, tại nhiều vị trí rác thải đã bị đốt, nước thải từ chợ chảy trực tiếp xuống cửa sông Ròon, khu vực chợ gần cửa sông Ròon đang “biến” thành nơi tập kết rác thải nhưng đến nay chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý.
Việc rác thải tập đổ xuống bờ kè gây ô nhiễm, ông Phạm Minh Cảnh- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Trạch, cho biết: “Đợt trước anh đã tổ chức cùng địa phương đi kiểm tra, chấn chỉnh lại, không biết sao bây giờ lại như thế. Chấn chỉnh cả Ban quản lý chợ rồi, anh sẽ cho anh ra kiểm tra lại ngay, xử lý dứt điểm”.
Điều đáng lo ngại hơn là, những năm qua hiện tượng bồi lắng cửa sông Ròon đang diễn ra mạnh, việc rác thải đổ xuống sông Ròon càng gia tăng việc bồi lắng gây cản trở cho các tàu thuyền ra, vào âu thuyền Quảng Phú, thẩm chí có thể gây nguy hiểm cho chính tàu, thuyền của ngư dân.