Quảng Bình: Nguy cơ cửa Lạch Ròon bị cát bồi đắp

05/10/2015 00:00

(TN&MT) - Cửa lạch Ròon là nơi neo đậu cho hơn 700 tàu, thuyền khai thác thủy, hải sản của ngư dân hai xã Cảnh Dương và Quảng Phú (huyện Quảng Trạch- Quảng Bình) và nhiều vùng khác. Tuy nhiên, hai năm lại đây tình trạng cát bồi lắp nghiêm trọng tại cửa Lạch Ròon khiến việc tàu thuyền ra, vào hết sức khó khăn. Tình trạng bồi lắng cát đã làm hàng chục tàu, thuyền bị mắc cạn, hư hỏng gây thiệt hại cho ngư dân hàng trăm triệu đồng.

Cát bồi lắp cửa biển Ròon khiến cho nhiều tàu thuyền của ngư dân gặp khó khăn khi vào neo đậu
Cát bồi lắp cửa biển Ròon khiến cho nhiều tàu thuyền của ngư dân gặp khó khăn khi vào neo đậu

Theo những ngư dân ở xã Cảnh Dương cho biết thì hiện tượng cửa Lạch Ròon bị cát bồi lắp từ năm 2012. Cửa biển Ròon rộng khoảng 200 m, các loại tàu có công suất đến 400CV ra vào dễ dàng mà không gặp phải bất cứ khó khăn gì. Nhưng gần đây, cửa biển bị cát bồi lấp, có nơi nước sâu chưa tới một mét, làm nhiều tàu, thuyền của ngư dân mắc cạn, gây hư hỏng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tình trạng cát bồi lắp nghiêm trọng đã diễn ra hai năm qua
Tình trạng cát bồi lắp nghiêm trọng đã diễn ra hai năm qua

Việc cửa Lạch Ròon bị bồi lắp buộc các tàu cá hai xã Cảnh Dương, Quảng Phú đành phải cập vào các cảng cá khác cách xa hàng chục km, thậm chí vào tận Huế để neo đậu, mỗi lần thuê cảng khác để neo đậu phải trả chi phí từ 2-4 triệu tùy thuộc theo loại tàu.

Theo thống kê của Trạm kiểm soát Biên phòng Ròon, từ cuối năm 2014 đến nay đã xảy ra 11 tai nạn tàu, thuyền lớn trong đó có 2 tàu bị hư hỏng hoàn toàn, còn việc mặc cạn và hỏng chân vịt thì hầu như ngày nào cũng xảy ra với các tàu, thuyền ngư dân ở đây.

Nhiều tàu thuyền mắc cạn không thể ra khơi
Nhiều tàu thuyền mắc cạn không thể ra khơi

Được biết năm 2012, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Roòn, tại xã Quảng Phú được xây dựng, với kinh phí hơn 90 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc neo đậu và tránh trú bão đối với các tàu, thuyền. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cho đến nay thì âu thuyền này không sử dụng được vì của Lạch Ròon bị cát bồi lắp.

Tình trạng cát bồi lắp nghiêm trọng đã diễn ra hai năm qua
Tình trạng cát bồi lắp nghiêm trọng đã diễn ra hai năm qua

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Quý Hà- Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương tâm sự: “Cửa Ròon bị cát bồi lắp thiệt hại lắm các chú ạ, hàng năm nguồn thu của địa phương giảm khoảng 15 tỷ đồng so với trước đây khi cửa biển chưa bị cát bồi lắng. Tàu, thuyền vào rất khó và dễ xảy tai nạn, có nhiều thuyền vào rồi không ra được, thuyền ra được lại không vào được phải đi thuê cảng nơi khác neo đậu. Chúng tôi không biết kêu ai nữa, chỉ mong Nhà nước sớm phương án nạo vét, khơi thông cửa lạch, có sự hỗ trợ người dân chứ như thế này không chỉ ngư dân mà người dân kinh doanh, dịch vụ, sản xuất buôn bán ở đây cũng trở nên khốn cùng”.

Cát bồi lắp cửa lạch, khiến tàu thuyền không vào neo đậu đã kéo theo  là làm ảnh hưởng đến các loại dịch vụ liên quan như: Cơ sở sửa chữa tàu thuyền, các cơ sở làm đá lạnh, mua bán hải sản, xăng dầu, lương thực... tại đây cũng rơi vào tình trạng khó khăn, ế ẩm kéo dài, do tàu thuyền không vào được cửa Lạch. Hiện ở hai địa phương này có đến hàng chục cơ sở sản xuất đá, cơ sở cung cấp dầu, xưởng sửa chữa tàu, thuyền thì chỉ còn một vài cơ sở hoạt động.

Âu thuyền xây dựng xong nhưng tàu thuyền ngu dân không thể vào neo đậu
Âu thuyền xây dựng xong nhưng tàu thuyền ngu dân không thể vào neo đậu

Ông Lê Tuấn Phong- Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại xã Cảnh Dương cho biết: “Từ khi cát bồi lắp cửa Lạch Ròon thì ngư dân gặp khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khốn đốn. Hầu hết các mặt hàng đá lạnh và dầu bán cho các tàu, thuyền tụt dốc nghiêm trọng, trước hoạt động 100% thì nay chỉ còn khoảng 20% mà thôi. Nhiều lần chúng tôi kêu gọi ngư dân bỏ tiền nạo vét, khơi thông luồng lạch tự mình cứu lấy mình chứ không biết kêu ai nữa. Giờ chỉ mong rằng Nhà nước sớm có biện pháp để khơi thông cửa biển giúp ngư dân và doanh nghiệp”.

Tuyết Trang - Hồng Thiệu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nguy cơ cửa Lạch Ròon bị cát bồi đắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO