Quan trắc viên Đỗ Văn Bằng: Vượt qua gió bão hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

25/08/2015 00:00

(TN&MT) - Ngay từ khi tốt nghiệp trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn Hà Nội, được sự điều động của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, anh Nguyễn Văn Bằng đến nhận công tác tại Trạm Khí tượng Hải văn Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 9/2005, theo sự phân công công tác của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, anh Bằng được điều chuyển về công tác tại trạm Khí tượng - Hải văn DK1/7 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

DK1/7 còn gọi là nhà giàn Huyền Trân, được đặt ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô lên đến mặt nước biển khoảng 12m; độ cao từ mặt nước biển lên tới sân thượng khoảng 22m. Trạm có nhiệm vụ quản lý nguồn lợi biển trên khu vực DK1 cũng như triển khai việc nghiên cứu theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn cho quốc tế, tăng cường các trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm hàng hải. Đồng thời, có nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ trạm, bảo vệ chủ quyền vùng biển khu vực bãi ngầm Huyền Trân.

Đây là nhà giàn duy nhất đặt trạm Khí tượng Hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế (trạm cấp I, phát báo 4 obs/ngày, biên chế thường xuyên thiếu hụt nên anh em thay ca nhau 6 - 8 tháng ra biển, thời gian còn lại ở đất liền để xử lý số liệu). Là nơi tuyến đầu của biển Đông nên hằng năm Trạm thường xuyên đón những cơn bão, áp thấp nhiệt đới và cũng là địa chỉ cung cấp số liệu sớm nhất cho công tác dự báo trước khi bão, áp thấp trước khi đi vào đất liền.

Thời gian đầu ra nhận công tác, mọi thông tin liên lạc đều qua sóng ICOM, nhiều khi truyền tin không nổi, chưa kể lúc “ốp” đêm, truyền tin gào to chỉ khổ anh em thức giấc, trời mưa giông có khi phải nửa giờ mời chuyển được thông tin về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Chưa kể lúc trời mưa bão lớn là đối mặt với nguy hiểm rình rập. Nhiều đoàn ra Trạm thăm hỏi động viên hoặc chúc Tết, lắm khi chỉ được chúc và động viên qua máy thông tin sóng ngắn.

Gần đây nhất là siêu bão Haiyan - một trong bốn siêu bão khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại (tháng 11/2013), anh Bằng đã cũng anh em trên giàn phải rời nhà theo lệnh của cấp trên để đề phòng bão đổ bộ làm sập giàn, mỗi người phải luôn mặc áo phao, cột dây lại với nhau, ôm phao thả trôi trên biển hơn 3 tiếng đồng hồ đợi tàu cứu hộ đến vớt.

Anh Bằng tâm sự, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu điện, thiếu nước ngọt và rau xanh trầm trọng, phải nói rằng, lúc đầu tinh thần đã có lúc dao động, nhất là trong những ngày đón Tết cổ truyền trên biển, luôn mong mỏi từng ngày trôi qua để được về với gia đình, vợ con...nên cũng có lúc «giông bão nổi trong lòng» .

Song vượt lên tất cả khó khăn, anh em cán bộ trên Trạm Khí tượng Hải văn DK1/7 cùng xác định tinh thần để những thông tin khí tượng thủy văn đến với cộng đồng xã hội được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Cuộc sống trên giàn của các quan trắc viên cũng đã coi như được “bộ đội hóa”, luôn sát cánh cùng Hải quân nhân dân Việt Nam trong mọi tình huống trên biển, sẵn sàng xử lý mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bộ đội và anh em cán bộ Trạm xác định đây là nhiệm vụ để góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào trong sự phát triển của đất nước có sự góp công, góp sức ngày đêm của hàng vạn cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn trên khắp vùng miền Tổ quốc, trong đó, có những cán bộ, nhân viên đã hàng chục năm gắn bó với núi, với sông, với biển để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Niềm tự hào đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục vượt qua khó khăn, phấn đấu hơn nữa.

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trắc viên Đỗ Văn Bằng: Vượt qua gió bão hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO