Quan Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội): Lò gạch đang “băm nát” Khu du lịch sinh thái

24/07/2013 00:00

(TN&MT) -Khu du lịch sinh thái Quan Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) đang dần mất đi vẻ đẹp hữu tình chỉ vì lò đốt gạch công nghiệp và ngổn ngang tàn tích của công trình...

(TN&MT) - Với vẻ đẹp non nước hữu tình, Khu du lịch sinh thái Quan Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) từng được mệnh danh như một Vịnh Hạ Long thứ 2 "ngự" trên đất Thủ đô. Thế nhưng, từ khi được trao vào tay một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, cảnh quan xinh đẹp nơi đây đang mất dần nếu không muốn nói là bị tàn phá nặng nề bởi lò đốt gạch công nghiệp và ngổn ngang tàn tích của công trình khai thác đá.
   
Khu du lch… hoang tàn
  Men theo con đường tỉnh lộ 21B, chúng tôi đến với Quan Sơn vào ngày 18/ 7/2013, sau cơn mưa của một đợt áp thấp. Nếu không có tấm biển chỉ dẫn “Quan Sơn kính chào quý khách” cũ kĩ, che khuất bởi những tán cây um tùm, xen lẫn những quầy hàng xén thì thực sự không ai có thể hình dung được đây là lối vào một Khu du lịch sinh thái được quảng bá là  “non nước hữu tình”.
   
  Vào sâu bên trong, tìm mỏi mắt mới thấy đôi ba quán hàng nước, hàng ăn và nhà nghỉ.  Lối rẽ dẫn vào  Ban quản lý vắng “như chùa Bà Đanh” vì đã lâu rồi không có khách du lịch ghé thăm. Tấm biển nhà bán vé cũng phải thật tinh mắt mới nhận ra khiến chúng tôi phải đi lòng vòng và có sự chỉ dẫn của người dân địa phương mới dám tin vào mắt mình đây là nơi mình cần đến.
   
  Theo con đường đê nối hai xã Hợp Tiến và Hồng Sơn, một khung cảnh đổ nát, ngổn ngang hiện ra, là dấu tích của công trường khai thác đá và những lò nung vôi trước đây để lại, cỏ mọc xanh rì giữa khu đất rộng hàng chục hecta nằm trên xã Hợp Tiến. Những cỗ máy hoen rỉ nằm chỏng chơ im lìm phơi mưa nắng. Một vài hộ dân  tiếc vùng đất rộng mà bỏ hoang đã dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc dưới những vòm đá đứng mong manh chơ vơ giữa vùng lầy lội. Dưới lòng hồ là vỏ bao nilon trôi nổi, ô nhiễm nghiêm trọng. Theo cư dân địa phương, công trường khai thác đá đã bị bỏ hoang từ vài năm nay. Trước đây, Công ty Sản xuất vật liệu và xây dựng số 2 Hà Tây là đơn vị được phép khai thác mỏ đá, sau khi đóng mỏ, họ bỏ đi đâu không biết và cũng chẳng “hoàn thổ” như cam kết trong Luật định. Phải chăng, chính quyền địa phương thực sự không hay biết điều này???
   
   
Những cỗ máy đang ngày đêm đào khoét lòng hồ phục vụ đốt gạch
    
   
…Và lò gch công nghip mc lên
   
  Còn nhớ, nơi đây vốn là một khúc sông thông với bến Đục mà cư dân vẫn thường gọi là sông Thanh Hà. Khu vực hồ Quan Sơn là nơi được thiên nhiên ưu đãi có phong cảnh hữu tình, không khí trong lành, non xanh nước biếc và nhiều hang động, chùa, miếu tạo thành một quần thể môi sinh dày đặc. Nhận thấy tiềm năng du lịch rất lớn nên Khu du lịch sinh thái Quan Sơn được hình thành quy hoạch với với gần 3.000 ha thuộc địa phận bốn xã: Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm, gồm hồ rộng 850 ha (dài 16 km, rộng 2 km). Trong đó có gần 100 ngọn núi đá vôi, độ che phủ rừng tái sinh hơn 80%  đồng thời giao cho Công ty Thủy sản du lịch và dịch vụ Quan Sơn quản lý. Thế nhưng, một vùng non xanh, nước biếc, sơn thủy hữu tình không trở thành Khu du lich sinh thái như những gì người ta vẽ ra trên giấy, mà thay vào đó là những chiếc lò gạch công nghiệp mọc lên ngày đêm phả khói.
  Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Quan Sơn nhộn nhịp nhất là cửa rừng Hồ Ngái, xã Hồng Sơn. Cả vùng là gần chục lò gạch đang rầm rập sản xuất và còn đang được tiếp tục xây mới.  Những tháp khói vươn lên ngạo ngễ ngày đêm “phì pho” nhả khói vào rừng. Theo những cư dân địa phương, trước đây, khu vực này nơi sản xuất của các lò gạch thủ công. Đến nay, do chỉ thị của UBND Thành phố Hà Nội quyết tâm xóa bỏ những lò gạch thủ công thì nay lại bị bủa vây ô nhiễm từ khu sản xuất gạch hiện đại được quy hoạch ôm trọn vòng cung nằm sát với mép núi đang được đi vào hoạt động.
  Đáng chú ý, hiện nay những chiếc xe chở gạch, đất ngày đêm cầy xới, tàn phá cảnh quan của hồ. Còn nguyên liệu sản xuất gạch của những lò gạch này lại được lấy từ chính… lòng hồ Quan Sơn. Ẩn sâu bên trong của một khu sinh thái được đánh giá còn nguyên giá trị hoang sơ nhưng thực chất lại đang mọc lên một đại công trường lò gạch… Tại sao địa phương lại “Quy hoạch” “cụm công nghiệp” lò gạch ngay trong vùng đã quy hoạch làm Khu du lịch sinh thái? Các cơ quan chức năng có lường hết được những tác hại môi trường có thể xảy ra khi quyết định cho dựng lò gạch công nghiệp tại khu vực này và liệu công nghệ sản xuất những lò gạch loại này có được thẩm định, đánh giá tác động môi trường đúng như Luật định hay không?
   
   
Phế tích của công trường khai thác đá nham nhở
   
Tranh th trc li?
  Đi sâu vào “đại bản doanh” của khu lò gạch trên con đường nhầy nhụa bùn đất trơn trượt, dấu tích của những chuyến xe chở đất vào công trường, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt thăm dò sắc lẹm và những câu trả lời đầy né tránh của những con người bước ra từ “đại công trường”.
   
  Qua tìm hiểu được biết, Khu du lịch sinh thái Quan Sơn, trước đây thuộc sự quản lý của UBND tỉnh Hà Tây cũ nhưng về sau đã giao cho Công ty Thủy sản du lịch và dịch vụ Quan Sơn quản lý với hai nhiệm vụ: Khai thác nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tất cả hàng chục lò gạch thủ công trước kia và những lò gạch hiện đại đang được xây dựng đều thuộc sở hữu của Công ty Thủy sản du lịch và dịch vụ Quan Sơn.
   
  Thủy sản và Du lịch đâu không thấy, chỉ thấy lò gạch công nghiệp liên tiếp mọc lên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống người dân trong vùng. Mới đây nhất, do ảnh hưởng của khói lò khiến nhiều diện tích lúa bị khô héo. Cư dân sống quanh đây nhiều người đã bị mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đơn kiến nghị đã được gửi đến các cơ quan chức năng của địa phương, thậm chí còn có cuộc phản đối kịch liệt từ phía người dân ngăn công ty không được đốt lò, nhưng chỉ sau thời gian ồn ào, những kiến nghị này…vẫn nằm trên giấy mà không được cơ quan chức năng nào giải quyết.
   
  Đem câu chuyện này tới các cấp chính quyền, Chủ tịch xã Hồng Sơn cho biết: “hiện nay xã chúng tôi không có lò gạch, chúng tôi chỉ quản lý trên địa bàn hành chính còn công tác quản lý khai thác và sản xuất gạch xã không liên quan gì (mặc dù khu sản xuất gạch nằm trong địa bàn hành chính của xã quản lý - PV).  Đã vậy, chúng tôi còn phải đứng ra gánh chịu hậu quả giải quyết việc gây mất trật tự vì khói bụi. Trước đây, Công ty Thủy sản du lịch và dịch vụ Quan Sơn được giao nạo vét lòng hồ nhằm khai thác nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch, sau đó công ty xin được sử dụng đất  nạo vét được để xây dựng các lò gạch thủ công và nay là khu lò gạch hiện đại. Hiện tại khu này đang tiến hành xây dựng 6 lò gạch nhưng bao gồm 8 chủ quản lý, giá thành mỗi lò xây dựng ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất gạch, các lò này phả ra khói, bụi,  ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Còn mức độ đánh giá ô nhiễm môi trường thì vị quan xã này không xác định được?
   
Những nhà xưởng và ống khói chọc trời ẩn mình vào vách núi
   
   
  Như vậy, có thể thấy Công ty Quan Sơn đang hưởng lợi rất lớn từ việc lợi dụng nạo vét, cải tạo lòng hồ. Cùng với chiếm dụng đất, né tránh các thủ tục cần thiết như giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, cam kết bảo vệ môi trường…, khi đưa “cụm công nghiệp lò gạch vào hoạt động”, chỉ bằng cách “xin tận dụng”, Công ty Quan Sơn cùng các chủ lò đã được lợi một khoản tiền rất lớn về chính sách thuế - đặc biệt là chính sách thuế về tài nguyên, môi trường.
   
   Chưa thấy “Hạ Long 2” mang lại giá trị kinh tế, môi trường sinh thái cho địa phương như những gì Dự án cam kết, song cảnh quan môi trường xuống cấp, bị băm nát thì đã và đang hiện hữu. Còn nguồn lợi lớn từ việc “tận dụng tài nguyên” vẫn đang chảy vào túi một số cá nhân, doanh nghiệp. Có hay không việc “núp bóng” cải tạo làm du lịch để  tranh thủ “vơ vét, trục lợi”? Và khi nào môi trường nơi đây mới được khôi phục, người dân không còn chịu khổ vì ô nhiễm? Câu trả lời xin giành cho các cấp chính quyền của Thủ đô Hà Nội!
   
  Bài và ảnh: Nguyn Cường – Hng Phương
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội): Lò gạch đang “băm nát” Khu du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO