Quản lý tổng hợp vùng bờ: Hỗ trợ đắc lực phát triển đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Xuân Thủy

03/07/2014 00:00

(TN&MT) - Chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ đang được triển khai tại nhiều địa phương có biển trong cả nước đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ nguồn lợi...

(TN&MT) - Chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ đang được triển khai tại nhiều địa phương có biển trong cả nước đã cho thấy hiệu quả thiết thực của nó trong việc bảo vệ nguồn lợi ven bờ khai thác tài nguyên bền vững, đặc biệt là khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định.
   
Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: MH
   
Cộng đồng biết tự bảo vệ
   
  Triển khai Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHTB) lồng ghép trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Thủy và tỉnh Nam Định đã chuyển hướng tất cả những dự án  nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia đều phải thực hiện cam kết môi trường, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản theo hướng bền vững. Đồng thời đã thực hiện nhiều chính sách khai thác có giới hạn.
   
  Cụ thể, Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã ra quy chế cho bà con chỉ được bắt các loài  tôm, cua, cá (như cá bớp, cá nhệch), chỉ được khai thác ngao giống từ tháng 4 đến tháng 7; không được lấy củi, chặt phá rừng. Xây dựng quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; thực hiện giải pháp  cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và tạo những sinh kế bền vững mới thay thế khai thác thủy sản truyền thống như: Trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái, nuôi ong... đã góp phần thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên vùng bãi bồi khu vực VQG Xuân Thủy.
   
  Dự án nuôi ong đã đem lại nhiều tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng dân cư địa phương, còn quy chế quản lý khai thác nguồn lợi ngao giống tự nhiên tại cửa sông Hồng mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
   
  Ban Quản lý VQG Xuân Thuỷ cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung, từ đó hình thành ý thức trân trọng rừng ngập mặn và thiên hướng sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá của cư dân vùng cửa sông ven biển. 
   
  Ông Trần Văn Nam, người xã Giao An, đã nhiều năm gắn bó với dòng sông Vọp, chảy từ cửa Ba Lạt ra biển Giao Hải chia sẻ: “Ngoài mục đích làm nghề để có thu nhập, ổn định cuộc sống, ông và những người khai thác thủy sản tự nhiên nơi tán rừng sú vẹt đã có  ý thức sâu sắc bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn những hành vi tàn phá thiên nhiên vùng lõi, góp phần giữ gìn, bảo tồn vùng Ramsar”.
   
Đa dạng hóa dịch vụ ngoài khai thác
   
   Để duy trì hoạt động hạn chế khai thác thuần túy, UBND tỉnh Nam Định và Ban Quản lý vườn quốc gia Xuân Thủy đã vận dụng rất nhiều các cơ chế chính sách, đổi mới, ưu tiên chuyển hướng  phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống bà con trong khu vực vùng đệm và bảo vệ nghiêm ngặt khu vùng lõi cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc  tế. Bên cạnh đó, Ban Quản lý VQG Xuân Thuỷ đã phối hợp với xã Giao An và Giao Thiện triển khai Đề án “Khai thác sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn ngao giống tự nhiên trên vùng đất ngập nước ở cửa sông Hồng” với mục tiêu kết hợp hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời thực hiện tốt khuyến cáo của Công ước Ramsar và tiêu chí của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là tạo môi trường lành mạnh có sự chung sống hài hoà giữa con người và thiên nhiên…
   
   Tại xã Giao Xuân, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng với lực lượng nòng cốt là các hộ dân địa phương. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, hiện có hơn 30 hộ gia đình tham gia HTX với phương thức xã hội hóa, liên kết hợp tác.
   
  Các hộ dân tham gia mô hình được vay vốn để sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách, tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ, tin học, tập huấn kỹ năng hướng dẫn du lịch, biểu diễn văn nghệ cộng đồng, chế biến món ăn, tổ chức đón và phục vụ khách lưu trú.
   
  Du khách được nhóm hướng dẫn viên giới thiệu sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được chứng kiến các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân. Thành công ban đầu của mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Giao Xuân đã mở ra sinh kế phát triển bền vững cho người dân nơi đây.
   
  Đánh giá về những thành công trong thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp vùng  bờ tại VQG Xuân Thủy, ông Dương Văn Thái, Chủ nhiệm Dự án truyền thông, nâng cao năng lực QLTHVB (Bộ TN&MT) cho biết, nhờ vận dụng năng động những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động QLTHVB, Nam Định đã làm tốt được khâu tuyên  truyền, đồng thời nâng cao năng lực QLTHVB cho cán bộ quản lý từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn ven biển;  bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên khu bảo tồn quốc gia Xuân Thuỷ và đề xuất các dự án và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý bền vững tài nguyên ven biển; cải thiện sinh kế cho cộng đồng đân cư ven biển.
   
  Đây là những bài học quý để xây dựng mô hình QLTHVB có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư cho các địa phương có biển.
   
Kim Liên
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tổng hợp vùng bờ: Hỗ trợ đắc lực phát triển đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Xuân Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO