Quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường - Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

30/01/2016 00:00

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang xác định: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là tập trung vào việc đo đạc bản đồ địa chính, xác định ranh giới,...

 

(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 10, ngày 2/11/2015 đã thông qua Nghị quyết Số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp; ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Mục đích đưa tài nguyên đất vào quản lý chặt chẽ có hiệu quả làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Quá trình phát triển nông, lâm trường ở Việt Nam

Trong giai đoạn phát triển kinh tế theo kế hoạch tập trung - bao cấp (1955 – 1986), tại miền bắc Nhà nước ta đã xây dựng hệ thống nông, lâm trường quốc doanh bao gồm: các nông, lâm trường quân đội, các nông, lâm trường của cán bộ miền Nam tập kết và tiếp quản từ các đồn điền của chế độ cũ.

Sau năm 1975, tiếp nhận và mở rộng 120 đồn điền cao su, cà phê chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; xây dựng mới trên 100 nông trường và 11 lâm trường. Đến năm 1986, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh được phân bổ khắp cả nước với 870 nông, lâm trường quản lý trên 8 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước. Trong quá trình phát triển, các nông, lâm trường đã nhiều lần được xắp xếp, chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Cây cà phê được nhiều nông trường quốc doanh lựa chọn đầu tư
Cây cà phê được nhiều nông trường quốc doanh lựa chọn đầu tư

Tính đến tháng 9 năm 2015, sau rà soát tổng diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh là 8.879.479 ha. Trong đó, diện tích đất đã bàn giao về cho các địa phương quản lý là 963.480 ha; diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức sự nghiệp đang sử dụng là 7.915.999 ha. Trong đó, 364 công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng 2.771.900 ha.

Gắn với quá trình phát triển của đất nước hơn 60 năm qua, các nông, lâm trường đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và nông thôn, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao trình độ canh tác cho công nhân, nông dân. Từ hạt nhân là các nông, lâm trường quốc doanh đã hình thành nên các thị trấn, thị tứ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song các nông, lâm trường cũng để lại những tồn tại, hạn chế cần nhiều công sức, thời gian để khắc phục, nhất là trong quản lý đất đai, đang cần sự vào cuộc có trách nhiệm và quyết liệt từ chính quyền địa phương và các Bộ, Ngành trung ương có liên quan.

Những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.

Trong quá trình hoạt động, cán bộ quản lý các nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa chú trọng đến việc quản lý đất đai, nhiều đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật. Hệ quả là sử dụng đất kém hiệu quả, tình trạng tranh chấp khó giải quyết. Qua thanh, kiểm tra của Thanh tra chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công thương và các địa phương cho thấy: Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai trong các nông, lâm trường như: lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật khá phổ biến. Việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa được các địa phương thực hiện một cách triệt để, nhiều vụ việc khiếu nại đông người kéo dài, vượt cấp đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Bắc….

Lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây hoa màu, làm nhà ở, cho thuê cho mượn
Lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây hoa màu, làm nhà ở, cho thuê cho mượn

Theo các địa phương báo cáo, cả nước có 54 nông, lâm trường, ban quản lý rừng có tranh chấp đất với diện tích 18.315 ha. Điển hình là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, Công ty Bình Thuận, một số đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, công ty cà phê Ea Tul, Ea H’nin Đắk Lắk...; 76 đơn vị bị lấn chiếm với diện tích 59.668 ha. Để xảy ra nhiều là Công ty cổ phần Đông Triều, Công ty Cao su 1-5, Công ty 30/4 Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Buôn Za Wầm, Chư Ma Lanh…; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất trái phép với diện tích 5.034 ha; 06 đơn vị đang cho thuê lại đất với diện tích 8.764 ha như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đa Teh…

Ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tình trạng người dân nhận khoán cà phê, hồ tiêu, cao su với các công ty nông nghiệp thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam hoặc do địa phương quản lý luôn khiếu nại, khiếu kiện về tranh chấp vườn cây, tranh chấp hợp đồng giao khoán, đất đai diễn ra khá nhiều. Nhiều vụ việc khiếu nại tập thể rất khó xử lý, giải quyết. Hay đất của các công ty lâm nghiệp bị người dân phá rừng lấn chiếm làm nương rẫy diễn ra phổ biến. Nhiều đơn vị bị lấn chiếm đến gần 50% diện tích đất được giao với số người lấn chiếm lên đến hàng nghìn hộ. Đây là vấn đề nan giải đối với địa phương. Trên thực tế, giải quyết tranh chấp với một vài trường hợp đã khó khăn thì nay phải quyết lên đến hàng nghìn trường hợp thì cần phải có một chính sách phù hợp từ Trung ương mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Ông Lương Văn Ngự - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng  chia sẻ: Cũng như cả nước, Lâm Đồng cũng có nhiều nông trường, lâm trường phải sắp xếp theo quy định. Song khi sắp xếp thì việc giải quyết những tồn tại là một nan giải như: tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng nhận khoán, giải quyết lao động dôi dư, giải quyết chế độ cho người lao động...

Tại Hội nghị về tăng cường quản lý đất đai có nguồn ngốc từ nông lâm trường quốc doanh diễn ra tại Đắk Lắk vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng: Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị định của Chính phủ đã thể hiện khá rõ về việc sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp là tất yếu và phải khẩn trương thực hiện. Thế nhưng thực như thế nào cho triệt để và hiệu quả là vấn đề mấu chốt  trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh quang phá biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh quang phát biểu tại hội nghị

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT  Nguyễn Minh Quang khẳng định: Chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đã rõ ràng và thống nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung hành động. Cái chính là làm sao được thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vai trò trọng tâm của chính quyền địa phương phải được phát huy. Bởi địa phương là thực tế, là trực tiếp và được giao quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn nên cần phải vào cuộc một cách quyết liệt thì mới thành công. Về trách nhiệm của các Bộ, Ngành trung ương cần tập trung tháo gỡ về cơ chế, chính sách khi có phát sinh trong quá trình thực hiện chuyển đổi, xắp xếp công ty nông, lâm nghiệp một cách nhanh chóng sẽ giúp cho địa phương thực hiện tốt hơn. Đồng thời cũng cần bố trí nguồn kinh phí đủ, kịp thời để thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang xác định: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là tập trung vào việc đo đạc bản đồ địa chính, xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới đất của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý một các cụ thể. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về dữ liệu, ranh giới để thực hiện những việc tiếp theo như: giải quyết tranh chấp, chấp dứt các hợp đồng cho thuê, mượn đất, đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá tính hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các đơn vị này./.

(Còn nữa)

          Bài & ảnh: Đình Thắng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường - Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO