Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam - Bài 2: Nuôi sinh vật ngoại lai – Lợi bất cập hại

25/11/2014 00:00

(TN&MT) - Những bài học đắt giá về ốc bươu vàng, đỉa hay cá dọn bể… tưởng chừng đã đủ sức cảnh báo đến sự cẩn trọng của người dân.

   
(TN&MT) - Những bài học đắt giá về ốc bươu vàng, đỉa hay cá dọn bể… tưởng chừng đã đủ sức cảnh báo đến sự cẩn trọng của người dân. Nhưng ngay cả khi người dân mất tiền tỷ cho những trại chăn nuôi các loài ngoại lai, và  khi mà các cơ quan liên quan vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ  ngay từ đầu, thì không ai dám chắc những câu chuyện tương tự có tiếp diễn hay không?!
   
Hậu họa nhãn tiền
   
  Còn nhớ những năm trước đây, một loạt sinh vật ngoại lai đã có mặt tại Việt Nam và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường. Nhất là vào những năm 1990, trào lưu nhập cá trê phi, ốc bươu vàng, hải ly... về Việt Nam diễn ra ồ ạt với mong muốn làm giàu từ giống vật nuôi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như nặng cân, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa kịp tính đến những tác hại của loài với nguồn gien bản địa.
   
   
Bằng nhiều con đường khác nhau các loài ngoại lai đã du nhập vào Việt Nam 
   
  Với tham vọng nhập khẩu ốc bươu vàng vào Việt Nam để trở thành nguồn thực phẩm, cung cấp cho người và động vật nuôi nhằm phát triển kinh tế nhưng loại này đã phát triển nhanh và trở thành ác mộng đối với đồng ruộng Việt Nam, gây dịch hại trên nhiều loại cây trồng, nhất là lúa và rau muống.
   
  Chuột Hải ly được nhập khẩu để nuôi thử nghiệm từ đầu năm 2000 với mục đích phát triển chăn nuôi, lấy thịt da xuất khẩu, là mặt hàng xóa đói nghèo. Tuy nhiên chúng lại là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới. Chuột hải ly sinh sản 3 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 4-11 con, thành thục sau 4 tháng tuổi. Hang của chúng sâu 15m, rộng 0,7m. Chúng còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da,… gây bệnh cho người và vật nuôi, gây ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Tính đến cuối năm 2002, khoảng 4.000 con Chuột hải ly đã bị tịch thu và tiêu hủy. Hiện loài này được cho là đã loại bỏ khỏi Việt Nam.
   
   Tiếp đó, chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với những đồn thổi về chất lượng thịt của loại chồn này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua chồn nhung đen về nuôi mong thu lợi cao. Đến năm 2012, qua công tác quản lý nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi, kết quả rà soát cho thấy, có 28 tỉnh, thành phố với gần 300 cơ sở đang nuôi hơn 13.000 con chồn nhung đen. Trái với những lời đồn thổi, đầu ra cho loài động vật này rất hẹp, người nuôi đều bị lỗ và khả năng phát triển không cao. Cục Chăn nuôi đã phải đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, tập trung kiểm soát tốt các cơ sở. 
   
  Những tưởng sau “ vố đau”  ấy người nông dân sẽ sực tỉnh và thay đổi tư duy, ấy vậy mà mới đây lại rộ lên chuyện nhập khẩu gián đất từ nước ngoài về nuôi để bán cho thương lái Trung Quốc. Trong năm 2014, hiện tượng nuôi gián đất tại Bắc Ninh nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Gián đất là loài gián không biết bay, bò nhanh, có màu đen. sống ở những nơi ẩm tối như trong đất khe, kẽ hoặc các bụi rậm..., là một trong những loài côn trùng môi giới truyền một số bệnh dịch về đường tiêu hóa. Tốc độ sinh trưởng của gián đất rất cao, một con bố mẹ có thể sinh được khoảng 300 - 400 con gián đất con. Sau 30 ngày chúng có thể đạt trọng lượng từ 800 đến 100 con/kg.
   
  Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản chính thức cấm việc nuôi gián đất vì có nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường, xã hội và nền kinh tế. Việc người dân tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm do gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh nên việc nhập khẩu và gây nuôi gián đất của người dân bắt buộc phải thực hiện các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
   
Gắn trách nhiệm với cơ quan quản lý
   
  Mặc dù, cảnh báo về vấn nạn sinh vật ngoại lai tuy đã có nhưng hầu như rất ít tác dụng. Trong khi đó, trong nhiều nguyên nhân gây tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và an ninh lương thực, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất. Tuy nhiên việc hạn chế trong nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý, kiểm soát.
   
  Sinh vật ngoại lai xâm hại chủ yếu du nhập qua 3 con đường: Con đường tự nhiên (dòng nước, gió, bão); du nhập không chủ đích (vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa); du nhập có chủ đích (buôn bán, trao đổi hàng hóa…). Việc nhận diện nó trước khi du nhập vào Việt Nam với các cơ quan chức năng còn rất hạn chế, kể cả với hải quan. Đây được xem là những “kẽ hở” khiến các loài sinh vật ngoại lai nguy hại xâm nhập vào Việt Nam gây ra những tác động xấu về môi trường cũng như kinh tế. 
   
  Rõ ràng, việc người dân nuôi một loài vật không có trong danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam là sai nhưng cái cách ngành chức năng địa phương đổ lỗi cho “nhận thức mơ hồ” để cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh loài côn trùng ẩn chứa nhiều độc hại đang khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan. Thiệt hại của người dân là có thật, và biết đâu loài sinh vật ngoại lai ấy đã kịp thoát ra ngoài môi trường và những hệ lụy (nếu có) không thể trong một sớm một chiều mà nhìn thấy. Vậy nhưng, cho đến giờ, vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm cho việc này, chỉ người được cấp phép phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản nghiệp của mình thành tay trắng.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam - Bài 2: Nuôi sinh vật ngoại lai – Lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO