Quản lý môi trường nông thôn: Còn chồng chéo

25/10/2016 00:00

(TN&MT) - Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn đã được hình thành và dần đi vào hoạt động. Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển...

(TN&MT) - Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn đã được hình thành và dần đi vào hoạt động. Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập.
 
Chồng chéo chức năng nhiệm vụ
 
Báo cáo môi trường nông thôn đã chỉ ra một thực tế, trong những năm qua, ngay từ cấp Trung ương, công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối. Chức năng nhiệm vụ về quản lý môi trường nông thôn còn chồng chéo, mỗi Bộ ngành một mảng. 
 
Ví dụ cụ thể là việc quản lý chất thải rắn (CTR) ở vùng nông thôn. Theo phân công trách nhiệm, Bộ Xây dựng được giao thống nhất nhà nước về quản lý CTR. Tuy vậy, CTR từ hoạt động nông nghiệp lại được giao cho Bộ NN&PTNT quản lý, chất thải nguy hại (trong đó có chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp và làng nghề) lại do Bộ TN&MT quản lý. Chính sự đan xen trong phân công trách nhiệm quản lý CTR khiến cho công tác quản lý thiếu thống nhất, không rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối. 
 
Đối với công tác quản lý hóa chất thuốc BVTV, trách nhiệm chính thuộc về Bộ NN&PTN, tuy vậy, việc xử lý, tiêu hủy các bao bì thuốc BVTV, xử lý các kho hóa chất, thuốc BVTV tồn lưu lại thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Chính điều này đã dẫn tới việc xử lý ô nhiễm tại các vùng nông thôn gặp khó khăn, hiệu quả của các dự án đầu tư xử lý chất thải chưa đạt được kết quả như mong đợi.
 
Môi trường nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Hoàng Minh
Môi trường nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Hoàng Minh
 
Tại các địa phương, các Sở NN&PTNT cũng được giao chủ trì thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh, cấp xã. Tuy vậy, hiện nay ở hầu hết các địa phương, Sở NN&PTNT chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên đơn vị này chỉ tham gia phối hợp với Sở TN&MT trong các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường nông thôn. Đây cũng là bất cập khi không có những quy định thống nhất về hệ thống tổ chức quản lý môi trường nông thôn.
 
Phân công trách nhiệm nhiều lỗ hổng
 
Việc phân công trách nhiệm trong quản lý môi trường hiện nay đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, việc triển khai thực thi theo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp còn nhiều tồn tại. Hiện, công tác quản lý môi trường bị lồng ghép vào chức năng quản lý ngành không tránh khỏi nhiệm vụ BVMT bị đưa xuống hàng thứ yếu so với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH. 
 
Tại các địa phương công tác BVMT nông thôn chưa tốt, môi trường vẫn bị ô nhiễm do nước thải, chất thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý. Điều này cho thấy, trách nhiệm của các đơn vị quản lý và hiệu quả thực thi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Đặc biệt là trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp ở khu vực nông thôn là các UBND cấp xã. Một trong những khó khăn về chỉ đạo, điều hành từ cấp cao hơn, về kinh phí, về quỹ đất để quy hoạch các công trình BVMT, về nhân lực để thực hiện khâu tổ chức, kiểm tra, giám sát... hầu như còn thiếu và yếu.
 
Đồng thời vấn đề nhân lực và năng lực quản lý, thực thi của các đơn vị, đặc biệt ở cấp địa phương vẫn là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay. Với số lượng cán bộ hạn chế ở các đơn vị quản lý, ở cấp xã, cán bộ môi trường hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được quan tâm trong đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn nên khó phát huy được hiệu quả công tác.
 
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, điều cấp thiết là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BVMT nông thôn một cách hệ thống và đồng bộ, tránh sự chồng chéo giữa các Bộ, ngành. “Đặc biệt, cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ quản lý chất thải nông thôn. Tăng cường nguồn đầu tư tài chính từ ngân sách và huy động đầu tư từ nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn, trong đó, ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay như xử lý chất thải rắn, nước thải” - ông Tùng nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế và pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường và đa dạng hoá đầu tư cho bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường, nhất là trong sản xuất nông nghiệp...
 
Thái Bình
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý môi trường nông thôn: Còn chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO