Quản lý mẫu động, thực vật hoang dã bị tịch thu: Không ít khó khăn

20/05/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, Việt Nam được xem là cửa ngõ trung chuyển của nhiều tuyến đường vận chuyển, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã quốc tế. Các cơ quan chức năng đã tiến hành triệt phá thành công hàng chục vụ buôn bán trái phép với nhiều vụ việc có số lượng tang vật lớn. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý các mẫu tang vật có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã đang tồn tại nhiều bất cập.

Nhiều hướng dẫn vẫn…vướng

Những năm gần đây, buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) nguy cấp, quý, hiếm trên thế giới đang diễn ra phức tạp. Tại Việt Nam các cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục mẫu vật được buôn bán trái phép chủ yếu gồm các loài bò sát (rắn, rùa các loài); ngà voi, xương hổ, sừng tê giác, tê tê...; các loài gỗ quý, hiếm.

 Thống kê từ các lực lượng chức năng cho thấy, từ năm 2003 đến nay, các cơ quan thực thi luật pháp đã bắt giữ hàng chục vụ nhập khẩu, quá cảnh trái phép ngà voi có nguồn gốc châu Phi; hàng chục vụ vận chuyển sừng tê giác trái pháp luật. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng liên ngành đã bắt giữ trên 6 tấn ngà voi, hàng tấn vẩy tê tê và một số mẫu vật sừng tê giác được vận chuyển trái phép từ châu Phi. Bên cạnh đó, nhiều vụ buôn bán trái pháp luật mẫu vật các loài ĐVHD khác cũng được các cơ quan chức năng điều tra, bắt giữ. Điển hình như vụ bắt giữ trên 2 tấn ngà voi giấu trong lô gỗ nhập khẩu trái phép vào Việt Nam tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, ngày 7/10/2016.

Để quản lý các mẫu ĐTVHD tịch thu, nhiều văn bản, chính sách trong nước và quốc tế đã được ban hành như Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, trong đó có quy định về mẫu vật động vật thuộc Phụ lục CITES có nguồn gốc nước ngoài.

Các cơ quan chức năng thu giữ tang vật từ đối tượng buôn bán động thực vật hoang dã
Các cơ quan chức năng thu giữ tang vật từ đối tượng buôn bán động thực vật hoang dã

Ngoài ra, tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 (gọi tắt là CoP 16) đã ban hành Nghị quyết 10.10 về “Buôn bán mẫu vật voi” quy định, các nước thành viên cần duy trì danh sách thống kê kho dự trữ của Chính phủ về các sản phẩm ngà voi (có thể bao gồm lượng ngà voi thuộc sở hữu tư nhân) và gửi báo cáo cho Ban Thư ký trước ngày 28/2 hàng năm… Tuy nhiên, tại Việt Nam việc xử lý các mẫu vật không có nguồn gốc từ Việt Nam đòi hỏi phải tuân thủ theo các quy định trong nước, luật pháp quốc tế và những cam kết liên chính phủ mà Việt Nam đã gia.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù đã có một hệ thống các quy định pháp luật quản lý động, thực vật hoang dã khá hoàn chỉnh, song các mẫu vật động vật hoang dã tịch thu được với số lượng nhiều, được lưu giữ, chuyển giao cho các cơ quan khác nhau. Bên cạnh đó một số quy định chưa thực sự rõ ràng đã gây khó khăn trong công tác xử lý mẫu vật sau tịch thu.

Công tác thu giữ, bảo quản gặp khó

Bên cạnh đó, một lượng lớn mẫu vật ĐTVHD đã được các cơ quan chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học như Bảo tàng tự nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật…, nhưng trong những năm gần đây, số lượng các mẫu vật tịch thu lớn, vượt quá nhu cầu và sức chứa của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, một số loại mẫu vật như ngà voi, sừng tê giác là các mẫu vật có giá trị, việc tiếp nhận, lưu giữ bảo vệ là một thách thức lớn đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, nhiều mẫu vật hiện là tang vật của các vụ án đang trong quá trình điều tra, xử lý nên không thể bàn giao đã gây nên tình trạng thất thoát. Thực tế, những năm gần đây ghi nhận một số vụ thất thoát ngà voi, sừng tê giác như vụ mất trên 200 kg ngà voi tại Phòng Thi hành án TP. Vinh, tỉnh Nghệ An vào năm 2013.

 Ngoài ra, việc bảo quản mẫu vật ĐTVHD đòi hỏi có các kho chuyên dùng (thực tế đa phần các mẫu vật động vật được bảo quản chung với các loại hàng hóa khác), thiếu các trang thiết bị bảo đảm an ninh, duy trì độ ẩm, ánh sáng, thiếu phương tiện thống kê, cập nhật số liệu. Hiện nay, việc quản lý, tiêu hủy mẫu vật ĐTVHD đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi Nhà nước chưa bố trí nguồn cho hoạt động này mà phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của quốc tế…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng tiến tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng tiến tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác

Theo ông Vương Tiến Mạnh,  Để quản lý các mẫu vật ĐTVHD quý hiếm, trước hết cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật, trong đó giao cho một cơ quan thống nhất quản lý, giám sát mẫu vật ĐTVHD tịch thu. Đối với các mẫu vật sống, cần sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, trong đó cho phép tái thả tang vật là động vật sống ngay sau cứu hộ. Đồng thời xây dựng Kho lưu trữ quốc gia bảo quản mẫu ĐTVHD quý, hiếm tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép. Mặc khác thực hiện kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý mẫu vật ĐTVHD quý, hiếm, thực hiện theo quy định của Công ước CITES. Tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực, nâng cao nghiệp vụ trong công tác quản lý mẫu vật; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế trong việc quản lý các mẫu vật ĐTVHD tịch thu. Nhà nước cần bố trí kinh phí cơ bản cho quản lý, tiêu hủy mẫu vật ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm tịch thu và được quy định mức cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xử lý tang vật ĐVHD vốn gặp khó khăn, nhiều tang vật trong các vụ việc bắt giữ không thể thả về tự nhiên hoặc chuyển giao cho các cơ sở bảo tồn, cứu hộ. Trên thực tế, có nhiều trường hợp ĐVHD được bán thanh lý. Có ý kiến cho rằng, cách làm này vừa xử lý được động vật tịch thu, vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi thanh lý, đương nhiên số ĐVHD đó sẽ quay lại thị trường. Vô hình trung, các cơ quan bảo vệ ĐVHD lại trở thành trung gian trong hoạt động buôn bán ĐVHD. Điều đó đồng nghĩa với việc nỗ lực bảo tồn, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD ở Việt Nam càng trở nên khó khăn. Vì vậy, giải pháp hợp lý và phù hợp với quan điểm bảo tồn là chuyển giao ĐVHD đó cho các cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tiêu hủy. Việc làm đó sẽ góp phần ngăn chặn triệt để việc đưa ĐVHD trở lại thị trường.

Thái Bình

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý mẫu động, thực vật hoang dã bị tịch thu: Không ít khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO