Quản lý kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi

09/11/2016 00:00

(TN&MT) - Làm sao để quản lý tốt hơn việc sử dụng và kinh doanh chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, đặc biệt là với những chất cấm mới. Những biện pháp...

 

(TN&MT) - Làm sao để quản lý tốt hơn việc sử dụng và kinh doanh chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, đặc biệt là với những chất cấm mới. Những biện pháp quản lý và chế tài cần thay đổi như thế nào để có tính răn đe? Đó là những nội dung được đề cập trong Hội thảo “Vận động thực thi hiệu quả chính sách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong chăn nuôi – trường hợp với kháng sinh và chất cấm” được tổ chức vào ngày 9/11 tại TPHCM. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tình trạng lạm dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn rất cao. Tất cả các trang trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều cao hơn quy định, các cơ sở chăn nuôi lợn cũng cao hơn quy định từ 2-4 lần. Hiện thịt lợn vẫn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tiêu thụ của người dân khoảng 74%, tiếp đó là gia cầm chiếm 19%, thịt trâu, bò khoảng 8%... Nếu không được quản lý và xử lý nghiêm hơn, người tiêu dùng sẽ là người chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc chăn nuôi lạm dụng chất cấm và kháng sinh.

Đại diện các doanh nghiệp (DN) nuôi và chế biến thịt của Việt Nam băn khoăn rằng, làm sao để việc sản xuất các sản phẩm chăn nuôi phải truy xuất được nguồn gốc, nhất là trong việc giết mổ công nghiệp cần phải đẩy mạnh, nhằm đảm bảo việc quản lý ATVSTP và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có hiệu quả hơn.

Ông Văn Đức Mười, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản đề nghị, cần phải cấm việc giết mổ thủ công, tập trung vào nhà máy giết mổ công nghiệp, bởi ở nhà máy họ có công cụ kiểm soát thông qua các thông số giải pháp và từ những giải pháp này thúc đẩy ngược lại nhà chăn nuôi, phải làm theo yêu cầu của thị trường đang mua thực phẩm đó.

Theo TS.Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, Syteamine là chất mới bùng phát lên và Thanh tra Bộ NN -PTNT đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh sử dụng nó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi công bố chất này thì vẫn còn nhiều người không biết, cũng không có bất cứ văn bản nào hướng dẫn, điều chỉnh đây có phải là chất cấm hay không, do vậy, rất khó khăn cho việc kiểm soát.

Cũng theo đại diện Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn phía Nam, hiện nay có những chất cấm mới như Cyteamine đang gây khó trong công tác quản lý và xử lý, do chưa có văn bản quy định. Cần phải nhanh chóng đưa ra những chất này vào danh sách cấm sử dụng trong chăn nuôi cùng loại với Sabultamol, Chlebutarol- những chất có thể gây rối loạn hệ tuần hoàn, nguy hiểm tính mạng người tiêu dùng.

Nhiều đại biểu cho rằng, Nghị định 119 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi còn chưa quy định cụ thể, có khá nhiều hành vi cần được xử lý và bổ sung như: kinh doanh thuốc thú y hết  hạn; vận chuyển thu gom, lưu giữ động vật chứa chất cấm; mua bán nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y cho DN chưa được cấp phép thuốc thú y, thuốc y tế chữa bệnh cho động vật… xử phạt chưa mang tính răn đe.

“Hiện nay, phạt những hành vi sử dụng nước hay chất cấm, trong chăn nuôi thì mức phạt đang còn cào bằng, nhỏ như một con gà cũng tương tự như một con bò, như vậy không hợp lý. Chúng ta nên chuyển qua phạt theo giá trị vật nuôi thì phù hợp hơn”- TS.Nguyễn Đức Lộc đề nghị.

                                                                                      Tin & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO