Quản lý chất thải rắn: Tính tới yếu tố biến đổi khí hậu

14/07/2017 00:00

Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội và môi trường sống. Việc quản lý chất thải rắn (CTR) cần được xem xét, thực hiện theo quan điểm có tính tới yếu tố BĐKH nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đề cập trong Điều chỉnh “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần thiết phải điều chỉnh

Sau hơn 6 năm thực hiện “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050” (Chiến lược năm 2009), lĩnh vực quản lý CTR đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hệ thống thu gom, vận chuyển CTR được mở rộng. Nhiều cơ sở xử lý CTR tập trung được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, góp phần tăng hiệu quả quản lý CTR, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế trong lĩnh vực môi trường liên quan đến quản lý CTR đã được sửa đổi, ban hành mới như: Luật Xây dựng năm 2014; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014; Luật phí và lệ phí năm 2015 (thay thế cho Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001). Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý CTR và phế liệu, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, liên quan đến phân định lại các nhóm chất thải theo nguồn gốc phát thải và đặc tính chất thải để quản lý thống nhất; chuyển phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với CTR sang giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt và giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; cụ thể hóa chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR,... nhằm thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực quản lý CTR, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực quản lý CTR.

Hiện nay, xu hướng quản lý CTR trên thế giới đang chuyển hướng. CTR được đánh giá là tài nguyên nhằm hướng tới mục tiêu “không chất thải”, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải bằng những công nghệ mới và có hiệu quả như thu hồi khí bãi chôn lấp, ủ kỵ khí thu khí phát điện, đốt chất thải phát điện, khí hóa chất thải, tái chế cao su, nilon, nhựa thành dầu, sản xuất compost, sản xuất VLXD,…

Vì vậy, việc rà soát điều chỉnh Chiến lược năm 2009 nhằm mục đích đề xuất điều chỉnh lại một số chỉ tiêu cũng như các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình thực tế theo các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt có tính đến các nội dung thích ứng với BĐKH theo các kịch bản đã được phê duyệt.

Xử lý triệt để các loại CTR phát sinh

Điều chỉnh “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050” tiếp tục tăng cường năng lực quản lý tổng hợp CTR, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; mở rộng mạng lưới thu gom CTR; thúc đẩy phân loại CTR tại nguồn và thực hiện việc phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTR trong sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, tận thu năng lượng, an toàn và phù hợp với điều kiện từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý CTR.

Điều chỉnh Chiến lược năm 2009 đề ra mục tiêu đến năm 2025: Thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường 80 - 90% tổng lượng CTR nguy hại phát sinh, 90 - 95% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường; thu gom và xử lý CTR sinh hoạt tại các đô thị loại đặc biệt, loại I đạt 95%, tại các đô thị còn lại đạt trên 85%, tại khu vực dân cư nông thôn tập trung đạt 65 - 75%.

Vào năm 2030, tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt tại các đô thị loại đặc biệt, loại I đạt 95 - 100%, các đô thị còn lại đạt 90 - 95% và khu dân cư nông thôn tập trung đạt 75 - 80%. Trên 95% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom và tái chế, xử lý bằng công nghệ phù hợp, đảm bảo quy chuẩn môi trường. Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược năm 2009, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, trong Điều chỉnh Chiến lược, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý CTR; Quy hoạch và kế hoạch thực hiện quản lý tổng hợp CTR; Cơ chế, chính sách và thực hiện đầu tư cho quản lý tổng hợp CTR; Xây dựng cơ sở dữ liệu về CTR.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý CTR cho cán bộ tham gia quản lý môi trường, CTR tại các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương; Củng cố, mở rộng các trường đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề… nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng các cơ sở xử lý CTR...

Theo Báo Xây dựng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất thải rắn: Tính tới yếu tố biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO