Hoạt động đốt rác thải tại các bãi rác ngoài trời làm phát sinh các chất ô nhiễm. (Ảnh: MH) |
Theo số liệu của Bộ TN&MT, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800 nghìn tấn/năm… Lượng chất thải này được thu gom chủ yếu được xử lý bằng công nghệ lò đốt hay bãi chôn lấp đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy vậy, hiện, chỉ có khoảng 70 lò đốt chất thải nguy hại có công suất từ 100 – 2000kg/giờ được cấp phép và những lò này chỉ yêu cầu giám sát các chất Đioxin/Furan khi đốt các loại chất thải nguy hại có liên quan tới halogen, còn lại, các chất thải phát sinh khác chưa được yêu cầu giám sát. Bên cạnh đó, đối với các lò đốt chất thải nguy hại tại các lò đốt xi măng, hiện, mới có 2 cơ sở tại Hải Dương và Kiên Giang đang áp dụng công nghệ đồng xử lý và không áp dụng bắt buộc giám sát Đioxin/Furan. Các lò đốt xi măng tại các cơ sở khác, khí thải từ hoạt động đốt chất thải nguy hại chưa hề được giám sát, xử lý gây ảnh hưởng tới môi trường.
Trên cả nước, hiện, chỉ có 26 cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quy hoạch xử lý chất thải rắn của các địa phương. Tính đến năm 2014, cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên 1ha. Trong đó, có tới 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, đây chủ yếu là bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác và đang gây ô nhiễm ở nhiều nơi. Đối với chất thải rắn công nghiệp, hiện, tỷ lệ phát sinh ước tính khoảng 7 triệu tấn/năm, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%. Tuy vậy, hiện, trên cả nước, vẫn thiếu các khu xử lý chất thải công nghiệp tập trung trên quy mô lớn.
Với công tác xử lý chất thải y tế nguy hại, có tới 73,3% bệnh viện trên toàn quốc có xử lý chất thải bằng các lò đốt, còn lại 26,7% bệnh viện sử dụng biện pháp thiêu đốt chất thải nguy hại ngoài trời (đốt tự do) hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, việc đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt, cháy rừng... tại các làng nghề và các khu vực nông thôn thường gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm các nguồn phát sinh các chất Dioxin/Furan, các chất POP mới và các chất gây ô nhiễm khác.
Tại Hội thảo khởi động Dự án “trình diễn áp dụng phương pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stokholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy”, ông Trần Thế Loãn nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, Việt Nam cần xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác vận hành dự án xử lý chất thải. Đẩy mạnh hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý tái chế chất thải rắn.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại đầu tư trang thiết bị, công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Tuy vậy, trước mắt, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, đặc biệt là quy chuẩn khí thải quốc gia về công nghệ xử lý chất thải nguy hại làm cơ sở cho việc cấp phép và thanh tra, kiểm tra. Đại diện Bộ NN&PTN cho rằng, cần có hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý đối với các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh nhỏ, chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa để giải quyết khó khăn hiện nay.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn để lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Tổng cục cũng tiếp tục xây dựng quy chuẩn bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và các yêu cầu về vận hành bãi chôn lấp để giảm phát sinh chất ô nhiễm đặc biệt là UPOP.
Nguyễn Cường