Quản lý chặt chất thải rắn thông thường

28/03/2017 00:00

(TN&MT) - Để đánh giá thực tế tình hình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, Bộ TN&MT vừa có Văn bản số 1288/BTNMT-TCMT ra ngày 22/3 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo hiện trạng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường trên địa bàn, gửi về Bộ trước ngày 28/4/2017.

Quản lý chất thải rắn chưa hiệu quả

Đã có rất nhiều văn bản trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đã được ban hành như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 59/2007/NĐ-CP quy định về hoạt động quản lý chất thải rắn, quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến QLCTR; Quyết định số 2149/2009/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050;  Quyết định số 1440/2008/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch các cơ sở xử lý chất thải tại ba vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung, Nam đến năm 2020; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại… Nhưng cho đến nay, tình trạng quản lý chất thải rắn vẫn chưa đạt hiệu quả.

Quản lý chất thải rắn vẫn chưa hiệu quả. Ảnh: Hoàng Minh
Quản lý chất thải rắn vẫn chưa hiệu quả. Ảnh: Hoàng Minh

Hiện, tổng lượng CTR đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm nhưng chỉ khoảng 60% CTR đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và trong các nhà máy xử lý CTR để tạo ra phân compost, tái chế nhựa... CTR phát sinh từ sinh hoạt ở nông thôn, từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt và từ các làng nghề ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất độc hại. Tuy vậy, tỷ lệ thu gom CTR ở khu vực này còn thấp (khoảng 40 - 55%), các biện pháp thu gom và xử lý CTR nông nghiệp và nông thôn vẫn còn rất thô sơ, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải sau thu gom chủ yếu là theo hợp đồng với các Công ty Môi trường đô thị (URENCO) và chưa được kiểm soát tốt. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp, khu công nghiệp hợp đồng với các tổ chức, cá nhân không có chức năng thu gom, vận chuyển, dẫn đến việc đổ chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, việc áp dụng các công nghệ xử lý CTR còn nhiều vấn đề bức xúc. Việc lựa chọn các bãi chôn lấp, khu trung chuyển, thu gom chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục; công nghệ xử lý chất thải chưa đảm bảo kỹ thuật vệ sinh môi trường nên chưa thu được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương. Khảo sát thực tế tại 63 tỉnh thành cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, chất thải công nghiệp và CTR sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh. Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bãi chôn lấp có cấu tạo hở, vào mùa khô, chất thải được đem đốt.

Hiện nay, các địa phương đang có xu hướng đầu tư các lò đốt rác công suất nhỏ. Đây là giải pháp tình thế, góp phần giải quyết nhanh chóng vấn đề chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, đặc biệt với khu vực nông thôn. Tuy vậy, một số lò đốt công suất nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải; không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ liên quan tới lò đốt. Nhiều lò đốt công suất nhỏ được đầu tư xây dựng trên địa bàn dẫn tới việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Ngay cả với một số lò đốt công suất lớn thì hiện còn tồn tại các vấn đề: phân loại, nạp liệu chưa tối ưu; chưa thu hồi được năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm chưa đảm bảo; chưa có hệ thống thu hồi nước rác; không có hệ thống xử lý nước rỉ rác; xử lý mùi, côn trùng chưa triệt để. Dẫn đến nguy cơ phát sinh khí Dioxin, Furan, là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.

Nắm bắt lại hiện trạng các cơ sở xử lý CTR

Trước thực trạng chất thải rắn tăng nhanh chóng về số lượng, trong khi đó nhiều công nghệ xử lý chưa đảm bảo kỹ thuật, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Bộ TN&MT đã ra Văn bản số 1288/BTNMT-TCMT yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo hiện trạng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường trên địa bàn mình quản lý.

Theo văn bản này, các địa phương sẽ phải thông tin chi tiết các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường (có thuộc quy hoạch quản lý chất thải rắn, vị trí địa lý, quy mô diện tích, công suất thiết kế, công suất xử lý thực tế, thời gian hoạt động, đơn vị vận hành, quản lý và thông tin liên hệ...). Các hồ sơ về môi trường liên quan; các quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc các giấy tờ tương đương), giấy phép về môi trường (nếu có)..., kết quả thanh tra, kiểm tra, kết quả quan trắc, giám sát.

Đặc biệt, phải báo cáo chi tiết các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường. Nếu xử lý bằng việc chôn lấp phải mô tả chi tiết bãi chôn lấp (công suất chôn lấp; có lớp lót đáy hay không; có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường); đã đáp ứng các quy định theo Thông tư số 01/2001/TTLT-BKHCN-BXD ngày 18/1/2001 về việc hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. Còn đối với công nghệ đốt phải ghi rõ công nghệ nhập khẩu hay sản xuất trong nước; công suất; có hệ thống xử lý khí thải hay không; đã đáp ứng được các quy định theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải răn sinh hoạt. Xử lý bằng compost báo cáo rõ công suất tiếp nhận chất thải; lượng sản phẩm đầu ra; tỉ lệ chất thải phải chôn lấp hoặc đốt sau xử lý; tình hình tiêu thụ phân mùn hữu cơ.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp báo cáo hiện trạng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường trên phạm vi cả nước làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn.

Thảo Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt chất thải rắn thông thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO