Quân khu 9 sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn

22/09/2017 00:00

(TN&MT) - Trong 10 ngày trung tuần tháng 9, Bộ Tham mưu Quân khu 9 đã tổ chức huấn luyện bổ túc nghiệp vụ cứu hộ - cứu nạn năm 2017 cho các đơn vị, địa phương...

 

(TN&MT) - Trong 10 ngày trung tuần tháng 9, Bộ Tham mưu Quân khu 9 đã tổ chức huấn luyện bổ túc nghiệp vụ cứu hộ - cứu nạn năm 2017 cho các đơn vị, địa phương nhằm làm chủ trang bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Điều khiển phương tiện thủy rời, cập bến, cứu người bị nạn, vớt hàng hóa trôi sông bằng xuồng vỏ lãi VSN – 1500 trong phòng chống lụt bão.
Điều khiển phương tiện thủy rời, cập bến, cứu người bị nạn, vớt hàng hóa trôi sông bằng xuồng vỏ lãi VSN – 1500 trong phòng chống lụt bão.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tham mưu Quân khu, Đại tá Đặng Minh Hoàng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn cho biết Phòng này đã phối hợp với Lữ đoàn Công binh 25, chuẩn bị chu đáo các điều kiện nên đợt huấn luyện bảo đảm chất lượng, trình độ, khả năng khai thác, sử dụng trang bị phương tiện của học viên được nâng lên.

Theo Thượng tá Phạm Minh Trí, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25, Lữ đoàn đã chỉ đạo cho Tiểu đoàn Vượt sông 4 chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện khoa học, cụ thể, sát với tình hình đơn vị, củng cố kho tàng, bến bãi, quán triệt và tổ chức kiểm tra chặt chẽ các quy định về bảo đảm an toàn và mỗi khoa mục luôn có đội mẫu thực hành để học viên tham quan, sau đó nhận xét, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sửa sai từng buổi tập.

Lắp ghép bộ VSN – 1500 thành kép, kép thành phà.
Lắp ghép bộ VSN – 1500 thành kép, kép thành phà.

"Thao trường huấn luyện, mô hình học cụ được đơn vị bố trí sát với thực tế, luyện tập như trên thực địa nên cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng nắm kiến thức lý thuyết, thuần thục kỹ năng thao tác và sử dụng thành thạo các loại trang thiết bị” - Đại úy Đặng Như Hiền, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, nói.

Một trong những cán bộ, chiến sỹ tham gia huấn luyện bổ túc nghiệp vụ cứu hộ - cứu nạn, Đại úy Bùi Thanh Phong, Phó Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 207, Trung đoàn 893, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, cho rằng đợt tập huấn này giúp cho cán bộ, chiến sỹ hiểu sâu hơn những nội dung, quy định, hướng dẫn trong công tác phòng cháy, chữa cháy; tính năng, cấu tạo, tác dụng vận hành các loại xuồng phục vụ trong tìm kiếm cứu nạn trên sông nước… phục vụ thiết thực cho lực lượng các đơn vị đứng chân tai địa bàn có nhiều kênh, rạch, mùa mưa lũ nhiều nơi bị ngập nước.

Sử dụng xe cẩu mi ni để chữa cháy trên cao.
Sử dụng xe cẩu mi ni để chữa cháy trên cao.

Nhiều nội dung thực hành mới, sát với địa bàn sông nước như hành động của tổ lái điều khiển phương tiện thủy rời, cập bến, cứu người bị nạn, vớt hàng hóa trôi sông bằng xuồng vỏ lãi VSN – 1500 trong phòng chống lụt bão; hành động của tổ tác nghiệp lắp ghép thuyền đơn thành kép, kép thành phà VSN – 1500…

Một trong những phương tiện mới được trang bị, triển khai vào thao diễn cứu hộ cứu nạn trên sông là xuồng VSN – 1500. Theo Đại úy Trần Đình Hưng (Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn Vượt sông 4), thì bộ khí tài này hiện nay đã được trang bị cho một số đơn vị, địa phương. Với việc được huấn luyện nội dung này, vừa giúp cho mỗi học viên thành thạo về cấu trúc, phương pháp, tổ chức biên chế và hành động của phân đội cứu hộ - cứu nạn bảo đảm cơ động cấp cứu trong phòng chống lụt bão. Mặt khác, loại xuồng này có ưu điểm kết cấu gọn nhẹ, bền, sức cơ động cao, thời gian liên kết và tháo dỡ ngắn, dễ vận chuyển, rất phù hợp với địa hình sông nước.

Sử dụng nhà hơi cứu người lao xuống từ tầng cao.
Sử dụng nhà hơi cứu người lao xuống từ tầng cao.

“Đây là lần đầu tiên tôi điều khiển xuồng VSN – 1500. Lúc đầu còn nhiều lúng túng, nhưng nhờ được các đồng chí giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ nên trong thời gian ngắn tôi đã hoàn thành được bài học. Sau này về đơn vị tôi có thể tự thao tác được loại xuồng này” - Trung úy Nguyễn Mậu Khánh (nhân viên Tác huấn, Trung đoàn 152), cho biết.

Còn Trung úy Đào Văn Việt, Lữ đoàn Tăng – Thiết giáp 416, chia sẻ: “Trước giờ tôi nghĩ việc lắp, ghép thuyền đơn thành kép, kép thành phà VSN – 1500 đơn giản nhưng khi học tôi mới biết kỹ thuật như thế nào. Không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe mà phải nắm chắc về kỹ thuật, đặc biệt là phải biết phối hợp thuần thục, nếu chỉ một sơ suất nhỏ thì sẽ khó thành công”.

Chuyển nạn nhân từ tầng cao xuống bằng hệ thống dây.
Chuyển nạn nhân từ tầng cao xuống bằng hệ thống dây.

Đợt huấn luyện này cán bộ, chiến sỹ còn vận hành thuần thục máy bơm nước chữa cháy trên các phương tiện thủy nội địa, vận hành máy bơm nước TOHASTU –V82ASE; cách sử dụng một số thiết bị hiện đại cứu hộ - cứu nạn cầm tay chuyên dùng; di chuyển người bị nạn, vũ khí trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất khỏi vùng lũ, lụt…

Kết thúc đợt huấn luyện bổ túc nghiệp vụ cứu hộ - cứu nạn này Tiểu đoàn Vượt sông số 4 của Lữ đoàn Công binh đã có buổi thao diễn “Hành động phân đội thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu, khắc phục hậu quả sập đổ công trình”, vào chiều 20/9. Tình huống giả định là nhà cao tầng bị cháy, sau đó bị đổ sập, vùi lấp nhiều người và tài sản. Ngay sau khi nhận được lệnh, đội ứng cứu sập đổ công trình nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Bằng các thao tác khẩn trương, chuẩn xác, cùng với nhiều trang thiết bị, lực lượng, phương tiện lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, dập tắt đám cháy, tìm kiếm cứu nạn, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực sự cố…

Sử dụng các thiết bị dò hiện đại để tìm nạn nhân trong đống đổ nát.
Sử dụng các thiết bị dò hiện đại để tìm nạn nhân trong đống đổ nát.

“Những nội dung huấn luyện năm nay rất sát với thực tế, phù hợp với địa bàn, giúp cho các cán bộ, chiến sỹ tham gia nâng cao được khả năng điều hành, tổ chức sử dụng lực lượng, trang thiết bị có trong biên chế của các đơn vị, địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”- Đại tá Đặng Minh Hoàng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tham mưu, Quân khu 9), nói.

Hùng Long

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quân khu 9 sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO