Đã giúp dân là giúp nhiệt tình
250 cán bộ chiến sĩ đến từ Trung đoàn Minh Đạm thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Vùng 2 Hải quân cùng thanh niên, dân quân tự vệ địa phương đã thực hiện “Ngày dân vận thắm tình quân dân” tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Đây là đợt dân vận “mở màn” của năm 2019, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, do Bộ chỉ huy quân sự, Hội chữ thập đỏ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Tổng công ty bảo đảm an ninh hàng hải miền Nam; Công ty Đông hải Quân khu 7 đồng tổ chức thực hiện.
Trước khi xuất quân tỏa đi các ấp lao động giúp dân, Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân, Trung đoàn Minh Đạm đã tặng 25 suất học bổng mỗi suất 500.000 đồng cho 25 em học sinh nghèo hiếu học; Hội chữ thập đỏ tặng quà cho gia đình chính sách, thươmg bệnh binh và người nghèo tại địa phương.
Dưới cái nắng chang chang, 250 chiến sĩ “áo xanh”, “áo đỏ” cùng thanh niên, dân quân tự vệ địa phương đào mương hơn 5km mương thoát nước, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh giúp dân.
Thiếu úy Bùi Thanh Hưng, Trung đội trưởng Trung đội vệ binh Lữ đoàn 171 cho biết: “Tôi được giao nhiệm vụ đi giúp dân từ 6 giờ sáng. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng chúng tôi rất phấn khởi, tự giác lao động. Đây cũng là dịp để các chiến sĩ trẻ có dịp tiếp xúc với bà con trên địa bàn đóng quân, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ- người chiến sĩ Hải quân”.
Trong khi lính trẻ dãy cỏ, đào mương, 3 tổ quân y cơ động của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lữ đoàn 171 và Hội chữ thập đỏ đã khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 lượt bà con bị bệnh thuộc gia đình chính sách, thương, bệnh binh và người nghèo trong xã. Bác sĩ Thiếu tá Nguyễn Xuân Trung, Bệnh xá trưởng Lữ đoàn 171 cho biết: “Bà con trong xã chủ yếu mắc bệnh về mắt, đường ruột và ngoài da do ảnh hưởng từ môi trường sống quanh vùng. Một số người đau nhức do thức đêm lao động cạo mủ cao su. Ngoài khám, cấp thuốc miễn phí, chúng tôi tuyên truyền bà con cách phòng bệnh, giữ vệ sinh môi trường chung, mắc màn khi đi ngủ; đem theo dầu gió, thuốc hạ sốt băng bông cá nhân trong điều kiện có thể khi đi cạo mủ cao su đêm tối”, bác sĩ Trung căn dặn bà con.
Cơm dã chiến giữa lòng dân Hòa Hội
Bữa cơm “dã chiến” của lính biển giữa lòng dân Hòa Hội không có bàn ghế, cũng không chia ra đĩa như mọi ngày, mà là những hộp cơm “ăn no, ăn nhanh”. Chúng tôi ngồi bên bậc thềm nhà một người dân gốc Huế. Câu chuyện tình quân dân giữa thân tình gia chủ với lính trẻ “áo vằn cánh sóng” như “ướp” thêm gia vị cho bữa ăn thắm tình quân dân giữa bạt ngàn rừng tràm và cao su giữa trưa hè nắng lửa.
Chủ gia đình, chị Nguyễn Thị Như Mai ở ấp 5 bảo: “Nhiều năm lắm rồi mới có bộ đội về làng. Chúng tôi ở đây dân nghèo tứ xứ đến làm kinh tế mới. Thanh niên đã đi làm thuê khắp nơi, chỉ còn lại bà già, trẻ con phụ nữa. Nếu không có bộ đội thì không bao giờ đào được mương, cống rãnh cả. Mùa mưa tới rồi, ngập khổ lắm”.
Chị Mai cho biết thêm xã Hòa Hội thuộc diện nghèo nhất của huyện Xuyên Mộc, trong đó ấp 5 là ấp nghèo của xã. Cả ấp có 385 hộ dân, điều kiện đường sá đi lại gập ghềnh khó khăn. “Nếu mưa nửa tiếng là nhà ngập nước. Đây cũng là cái để muỗi đẻ nhiều. Chúng tôi mắc bệnh sốt rét cũng do nhiều muỗi, môi trường ẩm thấp. Nếu không có bộ đội về giúp bà con đào mương khơi rãnh,thì chẳng bao giờ làm được. Bởi thanh niên trong xã đi xa làm thuê, còn lại chỉ ông, bà già phụ nữ và trẻ em”, chị Mai phân trần thêm.
Chuồng bò sát nhà ở, gây ô nhiễm
Ngay trong ấp 5 xã Hòa Hội, chúng tôi quan sát có nhiều chuồng bò nằm cạnh ngay nhà ở. Ngồi dưới gốc cây điều giữa trưa, mùi phân bò nồng nặc “xộc” vào mũi. Nắng nóng càng làm ngạt thở hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân bị đau mắt đỏ, hoặc bị các chứng bệnh về đường tiêu hóa.
Ông Nguyễn Lương Thọ ở ấp 5 cho biết, người dân chủ yếu làm thuê làm mướn kiếm sống nên phải chăn nuôi bò. Đất rộng thênh thang, nhưng dân đã “quen” thói nuôi bò gần người. Chỉ tay về phía một chuồng bò gần đó, ông Thọ bảo: “Thối lắm. Nắng thì nồng nặc, mưa thì xộc cả vào nhà. Ruồi nhặng từ đó mà ra. Có đêm gió thổi, nhiều nhà không ngủ được. Xã cũng biết, các hộ gia đình cũng nhắc nhờ nhiều, nhưng chẳng ai chịu dời đi. Cứ thế này thì sống rất khổ”- ông Thọ chia sẻ.
Cũng theo nguyện vọng của người dân nơi đây, để không ngập lụt mùa mưa đang đến gần, chỉ còn cách đào mương thoát nước hai bên đường, lực lượng này chỉ nhờ đến bộ đội. Còn để không ôi nhiễm môi trường, không còn bệnh đau mắt, tiêu chảy, chỉ còn một cách là cho các hộ gia đình di dời chuồng bò ra xa. Trước mắt xã nên có chiến dịch phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh; đồng thời vận động bà con tự giác di dời chuồng bò xa nhà dân ở…