Quân đội - nơi gửi gắm niềm tin của những người đến cách ly giữa mùa đại dịch

Lê Khanh| 28/03/2020 21:33

(TN&MT) - Doanh trại rộng rãi thoáng mát; nơi ăn nghỉ sạch sẽ, chu đáo; có bác sĩ túc trực theo dõi sát sao sức khỏe; có nơi luyện tập thể thao, vui chơi giải trí; an toàn tuyệt đối cho người đến cách ly. Đó là “điểm +” và niềm tin tưởng của những người đến cách ly giữa mùa đại dịch Covid 19.

140 điểm cách ly tin cậy an toàn

Là Bộ đi đầu trong công tác phòng chống dịch Covid 19, ngay từ khi dịch xuất hiện ở Vĩnh Phúc, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xác định tốt nhiệm vụ sứ mệnh của mình, là lực lượng chủ chốt chống dịch Covid-19, với tinh thần quyết tâm chiến đấu cao “Chống dịch như chống giặc”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt được Đảng, Chính phủ, Nhà nước giao phó.

Quân y sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân Vùng 2 luyện tập tiếp nhận người đến cách ly (ảnh Lê Khanh)

Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng triển khai trong toàn quân với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Trong khi Học viện Quân y đã nghiên cứu thành công bộ kit thử phát hiện virus, thì các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học để phòng chống dịch. Đối với các đơn vị chiến đấu ở cơ sở, từng bước “nâng cấp chống dịch”, bằng các biện pháp phòng dịch khác nhau nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. 

Trước khi chia tay Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sau 14 ngay cách ly, những cô gái trẻ viết dòng cảm xúc cảm ơn các anh đội (ảnh Nam Trần)

  Quân đội Nhân dân Việt Nam đã triển khai 140 điểm cách ly để đón những người đến cách ly theo qui định. Trong đó đã sử dụng hơn 120 điểm và thực hiện cách ly gần 44.800 người. 140 điểm cách ly, là 140 điểm đến an toàn cho người đến cách ly. Trong đó phải kể đến không gian thoáng đãng, nơi ăn nghỉ sạch sẽ, chu đáo; có bác sĩ túc trực theo dõi sát sao sức khỏe; có nơi luyện tập thể thao, vui chơi giải trí; an toàn tuyệt đối cho người đến cách ly. Đó là “điểm +” và niềm tin tưởng của những người đến cách ly giữa mùa đại dịch Covid 19.

Theo báo cáo, kiểm tra, rà soát tại các đơn vị, hiện nay quân đội chưa có người mắc Covid-19. Các đơn vị quán triệt phương châm 4 tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ trong phòng chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang ở cấp độ 3, theo qui định của ngành y tế quân đội, các đơn vị chuyển người bệnh thuộc quân đội quản lý về các bệnh viện quân đội có khoa truyền nhiễm điều trị theo quy định phân tuyến. Các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103 sẽ tiếp nhận người bệnh các đơn vị từ Quân khu 4 trở ra phía Bắc; Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận người bệnh các đơn vị từ Quân khu 5 trở vào phía Nam. Các bệnh xá sư đoàn và tương đương phân loại người bệnh điều trị, sẵn sàng tổ chức tiếp nhận người đến cách ly và điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh.

Niềm vui  trở về sau 14 ngày cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (ảnh Nam Trần)

Những dòng thư chứa chan cảm xúc

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid”, cán bộ chiến sĩ toàn quân mang trong tim mình sứ mệnh thiêng liêng- sứ mệnh của người lính Cụ Hồ sẵn sàng chiến đấu trong thời bình lặng im tiếng súng.

Ngay từ buổi đầu tiếp nhận 240 công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc người đến cách ly tập trung tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội,  những người lính ở đây đã tận tụy chăm sóc, ân tình thăm hỏi, nhiệt tình giúp đỡ. Sau lớp áo màu xanh là những giọt mồ hôi rơi. Sau những ca túc trực ở khu cách ly là niềm vui không kể xiết. Để rồi sau 14 ngày “dã chiến”, 240 công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc được trở về với gia đình, cơ quan tiếp tục học tập công tác. Những người lính trẻ nhận được sự cảm ơn chân thành. Những dòng chữ viết vội gửi lại các chú bộ đội: “Ra đi cánh gió phương trời lạ/Vẫn nhớ non sông một mái nhà/ Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

Lãnh đạo Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng hoa và cấp giấy “Đã cách ly đủ điều kiện an toàn sức khỏe” cho những người cách ly thành công sau 14 ngày (ảnh Nam Trần)

Trước khi lên xe về với  gia đình, nhiều  người trẻ hô vang “Chúng tôi yêu các chú bộ đội” rồi vỗ tay rầm rập. Xúc động hơn, trước khi về đất mẹ Bắc Giang, du học sinh Lê Thị Quỳnh viết dòng nhật ký: “Mỗi khi gặp khó khăn, Việt Nam là nơi giang tay đón về. Mới đó đã 14 ngày, Nhà nước đã ôm tôi vào lòng, nuôi dưỡng và kiểm tra tình hình sức khỏe. Nơi đã giúp tôi thực hiện là nơi Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, nơi mà các chú bộ đội, ban lãnh đạo đã tận tình chăm sóc ta như những người cha, người mẹ”. Còn du học sinh Nguyễn Văn Vũ cảm bằng những lời ngắn gọn: “14 ngày không phải là ngắn. Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều”.

Chia sẻ niềm vui với những người đến cách ly trước giờ tạm biệt, Đại tá Nguyễn Mạnh Phú - Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô không dấu được xúc động. Anh nói với các bạn trẻ rằng: Quân đội luôn sát cánh, sẻ chia, đón tiếp những người đến cách ly. Đó là sứ mệnh của người lính thời bình.

Cuộc chiến không tiếng đạn bom

Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của đội ngũ y bác sĩ và cán bộ chiến sĩ túc trực trong các điểm cách ly. Chỉ biết, phía trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, sau những ca túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh là niềm vui lại nhân đôi. Bởi nhiệm vụ người lính đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân “thời chiến”. Chỉ khác, cuộc chiến đấu này không có tiếng đạn bom

Chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 171 phun thuốc chống dịch cho các xe ra vào doanh trại (ảnh Lê Khanh)

 Việt Nam – một dân tộc anh hùng lớn lên từ bom đạn chiến tranh, từ đau thương tàn khốc của hậu chiến ở thế kỷ 20. Thời bom đạn, những người lính Bác Hồ trên khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng hai đế quốc hung hãn nhất thời đại. Hàng vạn người lính đã nằm lại chiến trường, trên những cung đường, cây cầu, lòng sông cửa biển để có độc lập tự do. Đó là sự hi sinh cao đẹp nhất cho Tổ quốc. Hôm nay khi đất nước lâm nguy bởi giặc covid hành hoành, người lính dẫu có phải hi sinh, thì đó là sự hi sinh vinh quanh nhất.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm kể từ ngày 30-4-1975. Nước Việt sống trong hòa bình lặng im tiếng súng. Dẫu không có đạn nổ bom rơi, song người lính chưa bao giờ nghỉ ngơi tay súng. Trên biên thùy giá rét, ngoài đảo xa xôi, nắng rát cháy da, giữa lòng thành phố bộn bề cám dỗ, các anh vẫn thầm lặng hi sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc yên bình.

 Cuộc chiến đấu chống “giặc Covid” của cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam là “cuộc chiến đấu đặc biệt” không có đạn bom. Kẻ thù không phải là thực thể hữu hình, mà là vi rút chủng mới Corona (Covid-19). Nhưng dù đó là kẻ thù hung hãn nhất thời đại, hay kẻ thù vô hình mang tên Covid-19, nhất định các anh sẽ chiến thắng. Bởi đó là cuộc chiến đấu bằng tất cả   kiên cường, nghị lực phi thường, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quân đội - nơi gửi gắm niềm tin của những người đến cách ly giữa mùa đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO