Qúa tải hạ tầng khu Đông TP.HCM

31/10/2018 11:52

(TN&MT) - Khu vực phía Đông TP.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mọc lên đã hút đông đảo dân cư về sinh sống. Chính vì vậy, các tuyến đường từ phía Đông ra vào trung tâm TP hiện nay đều trong tình trạng quá tải.

dong
Hạ tầng khu Đông TP.HCM đang trong tình trạng quá tải

Theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm. Nắm bắt được nhu cầu nhà ở của hàng chục ngàn lao động tri thức, nhiều dự án căn hộ đang đua nhau mọc lên ở khu vực này. Hiện hầu hết đại gia địa ốc đều có dự án lớn tại khu Đông. Khi các dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ kéo theo hàng chục ngàn người vào đây sinh sống, trong khi đó hạ tầng ở khu vực này vẫn chưa theo kịp. Đáng kể nhất là xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ và tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đang bị một sức ép nặng từ các dự án nhà ở và các khu đô thị đang mọc lên san sát.

Anh Hồ Ngọc Thoại (36 tuổi, nhân viên văn phòng làm ở quận 3) đang ở trong một chung cư mới xây trên xa lộ Hà Nội (địa bàn quận 9), cứ đều đặn mỗi sáng phải đi vào trung tâm TP để làm việc. Anh Thoại cho biết, trước đây hướng xa lộ Hà Nội đi qua cầu Sài Gòn rất chậm do ùn tắc ở đoạn Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) và Tôn Đức Thắng (quận 1). Chuyển qua đi đường Mai Chí Thọ dẫn vào đường hầm vượt sông Sài Gòn để vào trung tâm quận 1, những người đi làm như anh Thoại cũng chịu cảnh kẹt cứng, ùn tắc vào mỗi giờ cao điểm. Đây là tuyến đường tương đối mới, rộng, kết nối thuận lợi với khu dân cư mới hình thành ở quận 2, 9, Thủ Đức, nên người dân lựa chọn di chuyển khá đông.

Cũng trên xa lộ Hà Nội, tại nút giao ngã tư Thủ Đức, Bình Thái, cầu vượt An Phú cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là tuyến đường tập trung các loại xe đầu kéo container, xe tải hạng nặng chở hàng hóa, nên mật độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông. Dù ngành GTVT TP.HCM đã làm cầu vượt thép ở ngã tư Thủ Đức, mở rộng xa lộ Hà Nội, nhưng cũng không đáp ứng kịp sự phát triển về số lượng phương tiện của người dân trong thời gian qua.

Tuyến đường Mai Chí Thọ - nơi tiếp giáp với đầu đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ hướng miền Tây đi các tỉnh Đông Nam bộ và ngược lại, chịu áp lực giao thông rất lớn, khi mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt xe cộ lớn nhỏ qua lại. Chị Quỳnh Thanh, người dân ở quận 2 ngao ngán: “Tất cả các tuyến đường từ quận 2, 9, Thủ Đức vào TP đều đang bị quá tải trong giờ cao điểm. Không biết vài năm tới, khi hàng loạt chung cư ở các quận này hoàn thành, kéo theo hàng chục ngàn người tới ở thì người dân sẽ đi đường nào. Tôi hy vọng 3 cây cầu Thủ Thiêm sớm được triển khai, hoàn thành để giảm áp lực giao thông cho khu vực phía Đông”.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007, điều chỉnh bổ sung vào năm 2013, TP.HCM cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn, để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông. Đến nay, đã có 14 cầu và hầm được xây dựng và đưa vào sử dụng. TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 cây cầu là Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7). Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (quận Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qúa tải hạ tầng khu Đông TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO