Đó là các mỏ đã và đang khai thác chủ yếu đang ở giai đoạn cuối, suy giảm sản lượng; số giếng khoan mới rất ít; việc thăm dò, tìm kiếm, phát hiện các mỏ mới gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tới một số dự án quan trọng của PVN đang triển khai như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1; các dự án đầu tư mới như Chuỗi điện khí Lô B….
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại HN |
Để triển khai kế hoạch năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVN xác định 4 nhiệm vụ quan trọng. Đó là vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các dự án, công trình dầu khí; tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí để duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh ngành công nghiệp khí.
Đồng thời, PVN cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, khí đốt và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung ứng điện cho đất nước.
Ngoài ra, PVN cơ bản hoàn thành giải quyết các dự án khó khăn, đưa vào vận hành các công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1…
Quang cảnh Hội nghị |
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị PVN tiếp tục đoàn kết, thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ với 9 nhiệm vụ chính.
Theo đó, PVN cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2018 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban Cán sự đảng và Ban lãnh đạo Tập đoàn chú trọng tạo sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
PVN cần nghiên cứu tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, bảo vệ tài nguyên và môi trường. |
Về quản trị doanh nghiệp, PVN cần tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, chú trọng tối ưu hóa sản xuất kinh doanh. Tuyệt đối không để các doanh nghiệp đang vận hành tốt trở thành doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm. Thiết lập và thực hiện hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện đại, rà soát cơ cấu lại các nguồn lực.
Phó Thủ tướng yêu cầu PVN cần ưu tiên nguồn lực, thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí bảo đảm về tiến độ, hiệu quả và nhất là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tích cực triển khai đầu tư các dự án trọng điểm ngành dầu khí; có giải pháp triệt để và thực hiện xử lý dứt điểm các tồn tại của các dự án chậm tiến độ...
Mặt khác, PVN cần thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu trong từng thời điểm để đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch. Xây dựng, củng cố và mở rộng mối quan hệ với các ngân hàng thương mại có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới để tạo thuận lợi trong thu xếp và giải ngân vốn đầu tư.
Về thị trường, PVN cần làm tốt công tác thông tin và dự báo làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp; hoàn thiện hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí, từ khâu cung cấp - sản xuất - tiêu thụ nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra.
Theo Phó Thủ tướng, PVN cũng cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là về quản lý dự án, vận hành, quản trị doanh nghiệp; ưu tiên đào tạo chuyên gia thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, chiến lược.
Về khoa học công nghệ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phải đổi mới căn bản và có hiệu quả thiết thực, cần có giải pháp ứng dụng cho phát triển bền vững ngành dầu khí, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Phó Thủ tướng còn yêu cầu PVN tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tạo ra các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, PVN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là Quy chế tài chính Công ty mẹ và Đề án tái cấu trúc Tập đoàn vẫn chưa được phê duyệt…
Tuy nhiên, Tập đoàn đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, về đích trước kế hoạch năm từ 2 đến 60 ngày.
Cụ thể, PVN đã gia tăng trữ lượng 13,38 triệu tấn dầu quy đổi, khai thác dầu trong nước đạt trên 11 triệu tấn, vượt kế hoạch 6%; khai thác dầu ở nước ngoài đạt trên 2 triệu tấn, vượt kế hoạch 5,3%; khai thác khí đạt trên 10 tỷ m3, vượt kế hoạch 5,2%. Sản xuất điện đạt 22,54 tỷ kWh, vượt kế hoạch 4,3%, sản xuất đạm đạt 1,58 triệu tấn, vượt kế hoạch 9,1%; sản xuất xăng dầu đạt 11,5 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,3%…
Nhờ vậy, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 736,2 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 17% so với năm 2018; nộp ngân sách Nhà nước đạt 108,0 nghìn tỷ đồng, vượt 23,5% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch. Hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần, đảm bảo an toàn và phát triển vốn…
Cũng trong năm 2019, PVN đã chủ động, tích cực xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn và hoàn thành Báo cáo Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2019 - 2025…
Theo kế hoạch 2020, PVN phấn đấu khai thác 20,36 triệu tấn dầu quy đổi; sản xuất 21,6 tỷ kWh điện, trên 1,56 triệu tấn phân đạm và trên 11,8 triệu tấn xăng dầu. Với phương án giá dầu 60 USD/thùng, PVN dự kiến doanh thu đạt trên 640 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 82 nghìn tỷ đồng./.