Kiểm soát sự cố “từ đầu nguồn”
Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khá rộng, bao gồm: Thăm dò, khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò dầu khí là giá trị cốt lõi. Các ngành nghề này có đặc thù ẩn chứa nhiều rủi ro gây tác động tới môi trường bao gồm sự cố chất thải, sự cố tràn dầu, sự cố tràn đổ hóa chất, cháy nổ… Bởi vậy, PVN đã ý thức để kiểm soát sự cố “từ đầu nguồn” với việc xây dựng một hệ thống quản lý về ATSKMT.
Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 |
Hệ thống quản lý ATSKMT được xây dựng theo hướng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ cũng như cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.
Trong quá trình triển khai các dự án, PVN cùng các nhà thầu dầu khí luôn thực hiện các đợt khảo sát môi trường cơ sở và khảo sát môi trường sau khi khoan (đối với các dự án ngoài khơi), khảo sát môi trường định kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các dự án đều được nghiên cứu và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch/biện pháp ứng phó sự cố hóa chất, kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp… cho dự án đầu tư theo đúng yêu cầu pháp luật, trong đó đề xuất các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường. Biện pháp giảm thiểu cam kết đạt được các mục đích như: Giảm thiểu lượng chất thải; Xử lý các loại chất thải phát sinh đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả thải vào môi trường; Giảm thiểu các tác động không liên quan đến chất thải như xáo trộn vật lý, tiếng ồn, độ rung...
Công tác giám sát các nguồn thải được thực hiện theo hệ thống, lưu hồ sơ, báo cáo theo quy định. Công tác phân loại, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại được bố trí đầy đủ nguồn lực, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây hại tới môi trường và cộng đồng, tuân thủ quy định của pháp luật. Ngoài ra, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật các nguồn thải từ hoạt động của mình, từ đó xác định rõ những rủi ro và tác động môi trường để thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp.
Để hoạt động phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường mới được ban bành năm 2020, Tập đoàn tiếp tục cập nhật và đổi mới Chính sách ATSKMT nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về bảo vệ môi trường. Tinh thần của chính sách ATSKMT của Tập đoàn đã được quán triệt tới tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn với cùng một mục tiêu bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn và hiệu quả.
Các buổi diễn tập, hội thao về phòng cháy chữa cháy của PV GAS |
Sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp
Với đặc thù ngành nghề có thể xảy ra tai nạn bất kì lúc nào, Văn phòng Trực tình huống khẩn cấp (THKC) của Tập đoàn duy trì trực tình huống khẩn cấp ở chế độ 24/24, đặc biệt là việc vận hành thông suốt hệ thống thông tin hỗ trợ ứng cứu THKC.
Hệ thống này vừa là công cụ kết nối thông tin liên lạc khẩn cấp trực tiếp giữa Văn phòng trực của PVN và Văn phòng trực THKC các đơn vị, vừa giám sát hoạt động các tàu, giàn khoan trên biển với sự hỗ trợ cập nhật của các vệ tinh định vị trên nền tảng bản đồ số và các lớp dữ liệu liên quan. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp khả năng thông báo nhanh về các công trình, phương tiện đang gặp sự cố, xác định các phương tiện ứng cứu gần nhất, thể hiện các thông tin cần thiết để hỗ trợ ứng cứu như thời tiết, khí tượng, dự báo sự lan truyền của dầu tràn, độ nhạy cảm môi trường, phục vụ tập trung và hiệu quả đối với công tác ứng cứu khẩn cấp trong toàn Tập đoàn. Đã xây dựng kết nối thành công hệ thống giám sát trực tuyến từ Tập đoàn đến các tổng công ty, công ty con và các công trình biển.
Diễn tập thu gom dầu tràn để tích cực bảo vệ môi trường |
Ngay từ đầu năm, PVN đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và phổ biến tơi các đơn vị thành viên; Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác ATSKMT, phòng cháy chữa cháy của các đơn vị và tập trung vào các đơn vị đang vận hành công trình trọng điểm, dự án đang hoạt động có nguy cơ cao về an toàn. Đến nay, các nhà máy, công trình dầu khí trọng điểm tiếp tục vận hành ổn định, liên tục, an toàn, không có tai nạn sự cố, cháy nổ nghiêm trọng; không để xảy ra sự cố tràn dầu/ tràn đổ hóa chất. Tất cả các dự án của PVN và các đơn vị thành viên đều tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình hoạt động của mình. Các dự án khi triển khai đều được lập các báo cáo, kế hoạch ứng phó sự cố (nếu thuộc diện phải lập báo cáo) theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, hằng năm, các đươn vị trong tập đoàn cũng phối hợp với các lực lượng ứng cứu chuyên trách tổ chức các buổi diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu, phòng cháy chữa cháy, ứng cứu sự cố khẩn cấp tràn đổ hóa chất dựa theo kịch bản giả định. Các buổi diễn tập đã góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và năng lực xử lý các tình huống cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi có sự cố.
Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề ATSKMT và Hội nghị ATSKMT thường niên, PVN đang nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn tại đơn vị SXKD. Nhận thức rằng phần lớn các tai nạn, sự cố liên quan đến công nghệ, con người đều gây ra bởi hành vi không an toàn của con người chứ không phải điều kiện hay thiết bị, các đơn vị trong Tập đoàn đã chú trọng xây dựng văn hóa an toàn trong nỗ lực thay đổi hành vi của người lao động từ “phải tuân thủ” đến “mong muốn tuân thủ” các quy định an toàn.
Với sự cam kết, quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất, công tác xây dựng văn hóa an toàn tại các đơn vị đã được thực hiện đồng bộ từ công tác kế hoạch, giám sát theo dõi, cung cấp nguồn lực và đào tạo. Từ đó, tuân thủ kỷ luật an toàn đang dần trở thành những thói quen mang tính nền tảng ở người lao động, góp phần quan trọng trong giảm thiểu tần suất và hậu quả của các rủi ro, sự cố an toàn.