Nhà máy Đạm Cà Mau đang vận hành tối ưu công suất, vượt công suất so với kế hoạch Petrovietnam và công ty giao. Đến ngày 10/12/2022, tổng sản lượng urê quy đổi của nhà máy trong năm 2022 chính thức đạt 860.102 tấn, đạt kế hoạch sớm hơn 21 ngày so với chỉ tiêu Tập đoàn giao. Tính chung sản lượng sản xuất ước cả năm của Nhà máy Đạm Cà Mau khoảng 916.700 tấn urê quy đổi, góp phần đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước.
Năm 2022, Nhà máy Đạm Cà Mau tiến hành bảo dưỡng tổng thể với số lượng hạng mục lớn nhất từ trước đến nay. Đội ngũ kỹ thuật của Phân bón Cà Mau đã không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tạo hạt; từng bước tối ưu công suất, đồng thời duy trì vận hành liên tục phân xưởng tạo hạt. Mới đây, Nhà bản quyền TOYO đã trao tận tay chứng nhận “Vận hành an toàn và ổn định 45 ngày” - một kỷ lục trong số các nhà máy của TOYO - cho phía Phân bón Cà Mau.
Nhà máy Đạm Cà Mau cũng thuộc nhóm số ít nhà máy đạt tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu theo đánh giá từ Haldor Topsoe. Công ty thiết lập thành tích vào quý II/2020 và vừa chính thức nhận chứng chỉ khi Covid toàn cầu đã ổn định.
Bên cạnh hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, các chỉ tiêu khác của Phân bón Cà Mau cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Petrovietnam thì sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể người lao động toàn công ty cùng với tinh thần “Thích ứng linh hoạt - Đổi mới sáng tạo” trong giai đoạn thị trường nhiều biến động đã giúp Phân bón Cà Mau đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) như trên.
Giá phân bón tăng cao một mặt tác động tích cực tuy nhiên việc duy trì giá cao trong thời gian dài đã và đang làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới công tác tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, buộc các đơn vị sản xuất trong nước phải tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tồn kho và duy trì sản xuất. Phân bón Cà Mau không nằm ngoài bức tranh chung đó. Trong năm qua, Phân bón Cà Mau đã linh hoạt tìm hướng xuất khẩu đi các thị trường khác. Kết quả, sản lượng xuất khẩu của công ty năm 2022 đạt 410.400 tấn, đóng góp vào doanh thu 260 triệu đô la, khoảng 6.200 tỷ đồng.
Song song đó, công ty vẫn duy trì sức tiêu thụ tốt cả sản lượng tự sản xuất và tự doanh. Trong đó, sản lượng tự doanh đạt 41.000 tấn, doanh thu 562 tỷ đồng, giúp công ty duy trì tăng trưởng doanh số, giảm phụ thuộc vào công suất sản xuất có giới hạn và điều kiện thị trường trong nước giảm cầu.
Về kết quả chung, sản lượng tiêu thụ năm 2022 của Phân bón Cà Mau đạt 1.077.000 tấn. Trong đó, sản lượng urê đạt 830.000 tấn, sản lượng NPK Cà Mau 87.000 tấn. Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Tập đoàn giao với doanh thu đạt hơn 16.412 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch năm. Tổng doanh thu và lợi nhuận của PVCFC trong năm 2022 ghi nhận mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Để đạt được kết quả kinh doanh đó, Phân bón Cà Mau đã áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt, lợi thế cho tất cả từ đại lý đến người tiêu dùng. Ngoài kênh phân phối truyền thống B2C, PVCFC chuyển đổi phát triển thêm mô hình kinh doanh theo hướng mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển kênh B2B, kênh xuất khẩu; Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản trị, bán hàng, các hoạt động marketing nhằm tiết giảm chi phí hoạt động và tương tác sâu rộng tới hệ thống phân phối các cấp.
Dù kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - được xem ít tiếp cận với công nghệ nhưng PVCFC chú trọng tối đa hóa việc sử dụng, khai thác các nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, số hóa hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng như hệ thống QR Code, Power BI, ERP, DMS, app 2Nông, CRM… Điều đó đã tạo nét khác biệt và giúp cho hoạt động kinh doanh của Phân bón Cà Mau tiến nhanh hơn đến người tiêu dùng cuối.
Việc PVCFC hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2022 từ sớm là thành tích rất đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vô vàn khó khăn và những tác động của diễn biến địa chính trị ở một số nơi trên thế giới.
Kết quả tích cực đó cũng đã chứng minh rõ rằng, văn hóa doanh nghiệp với hệ giá trị cốt lõi “Tiên phong - Trách nhiệm - Ân cần - Hài hòa” của PVCFC thật sự sắc nét và hiệu quả. Chính việc vận dụng thành công văn hóa doanh nghiệp, nhất là văn hóa tiên phong đã góp phần quan trọng giúp Phân bón Cà Mau thực hiện tốt công tác quản trị kinh doanh, ghi nhận kết quả SXKD, doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022.
Bước sang năm 2023, trước bối cảnh, tình hình mới có nhiều biến động, Phân bón Cà Mau tiếp tục nỗ lực xây dựng và thực hiện các mục tiêu theo chiến lược phát triển không ngừng, thích ứng với sự thay đổi liên tục, khó lường của tình hình kinh tế chính trị thế giới… dựa trên nền tảng nguồn lực, hệ thống quản trị, văn hóa đội ngũ và đặc biệt là các hoạt động mang tính đổi mới.
Do đó, “Nỗ lực không ngừng - Thay đổi phát triển” được chọn là phương châm cốt lõi của toàn bộ hoạt động SXKD của công ty trong suốt năm 2023.