Quảng Ngãi: Phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 23/11, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với báo Văn Hóa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh, Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số như Hrê, Cor, Ca Dong. Toàn tỉnh có trên 187 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc và đã được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Toàn tỉnh có gần 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 10 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có 5 di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor, nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor; nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, cùng với truyền thống lịch sử hào hùng, Quảng Ngãi còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ, giao thoa của nhiều dân tộc anh em. Trong đó, các dân tộc thiểu số như Hrê, Cor, Ca Dong…đã và đang được lưu giữ những nét văn hóa độc đáo từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống giàu bản sắc được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Việt Nam là một quốc gia dân tộc với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm đa dạng văn hóa, tạo nhiều màu sắc cho văn hóa Việt Nam và tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc đó tạo thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, nền tảng của những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều giá trị văn hóa chưa thực sự được phát huy, trong đó có giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa này hiện chỉ dừng lại ở những chương trình biểu diễn sự kiện địa phương hoặc những chương trình nghệ thuật quy mô nhỏ mà chưa mang lại giá trị tương xứng.
"Chính vì vậy việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai rộng trên khắp cả nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận, đánh giá văn hóa truyền thống của các các dân tộc thiểu số Việt Nam và tại Quảng Ngãi, trong đó, nổi bật là các giá trị về lễ hội, ẩm thực dân gian, các nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian văn hóa...; nêu ra các mô hình, điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cũng như giải pháp phát triển du lịch Quảng Ngãi thời gian tới.